Bệnh nhân T.M.Th. (SN 1994, ngụ tỉnh Hậu Giang) được chuyển đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng thai 37 tuần 5 ngày chuyển dạ sinh, thiếu ối, nhẹ cân, mẹ bị tim bẩm sinh tím; kết quả siêu âm tim phát hiện tứ chứng Fallot. Xác định đây là trường hợp nặng, nguy cơ tử vong cao trong và sau mổ, nên các bác sĩ tiến hành hội chẩn với nhiều chuyên khoa.
Ê kíp phẫu thuật cấp cứu do Th-BS Nguyễn Hữu Thời, Phó Khoa Sản, cùng các cộng sự đã thực hiện phẫu thuật thành công sau 30 phút, bé gái nặng 1,8kg khóc tốt chào đời an toàn.
Hiện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, vết mổ khô, bé khỏe mạnh. Bệnh nhân và bé được theo dõi, điều trị tại Khoa Sản và sẽ hội chẩn để chọn thời gian phẫu thuật tim tại bệnh viện.
BS CK2 Trần Huỳnh Đào, Trưởng Khoa Gây mê hồi sức của bệnh viện cho biết, một thai kỳ ở người có bệnh tim bẩm sinh được xem là nguy cơ rất cao cho cả mẹ và thai nhi.
Trong khi đó, BS CK2 Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ lưu ý, hầu hết phụ nữ mắc bệnh tim bẩm sinh, thai kỳ vẫn có thể phát triển bình thường. Nguy cơ thai kỳ phụ thuộc vào dị tật tim cũng như các yếu tố khác như chức năng tâm thất, phân độ suy tim và mức độ tím. Các biến chứng tim mạch của mẹ xảy ra khoảng 10% trong suốt thai kỳ và thường xảy ra hơn ở các sản phụ có bệnh tim bẩm sinh phức tạp. Sản phụ có các biến chứng trong thai kỳ thường có nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch cao hơn. Biến cố sản khoa như tiền sản giật hoặc sản giật, thường xảy ra hơn. Các biến cố của con bao gồm sảy thai, sanh non, tử vong chu sinh đều gia tăng.
Vì vậy, những phụ nữ trước khi mang thai được khuyến cáo tầm soát các bệnh tim bẩm sinh và điều trị ngay. Không nên mang thai nếu tình trạng tim mạch chưa ổn định. Cần lưu ý là cho dù bệnh tim mạch đã ổn định và có thể mang thai, một thai kỳ ở người có tứ chứng Fallot vẫn nguy cơ cao và cần được đánh giá, theo dõi sát sao trong giai đoạn tiền thai kỳ, thai kỳ và hậu sản.