Chấn thương ngày càng phức tạp
Mới đây, Đơn vị YHTT, Bệnh viện (BV) Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM đã tiếp nhận bệnh nhân N.X.S. (22 tuổi, sinh viên năm 3 Trường Đại học Trà Vinh) nhập viện trong tình trạng đau cổ chân dai dẳng, sau một lần chấn thương do chơi bóng đá cách đây 1 năm. Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy bệnh nhân bị tổn thương sụn xương sên ở cổ chân.
Theo BS-CKII Đinh Thanh Quang, cố vấn chuyên môn Đơn vị YHTT, BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM, xương sên là loại xương nhỏ ở phần cổ chân, nằm giữa xương chày và xương bàn chân, đóng vai trò quan trọng trong việc chịu lực của cơ thể ở vùng bàn chân. Người gặp chấn thương xương sên sẽ rất khó khăn khi vận động. Vùng cổ chân có thể bị sưng tấy, khó cử động khớp cổ chân linh hoạt. Việc điều trị theo hướng phục hồi hoặc phải phẫu thuật.
Tương tự, tại Khoa YHTT, BV Quân y 175, Bộ Quốc phòng, nhiều người bệnh khi đến thăm khám chia sẻ rằng biết bị chấn thương nhưng không đi khám, tự mua thuốc điều trị.
BS-CKII Đỗ Hữu Lương, Chủ nhiệm Khoa YHTT, BV Quân y 175, Bộ Quốc phòng, cho biết, từ khi thành lập khoa YHTT (năm 2020), bình quân mỗi năm khoa tiếp nhận khám và điều trị trên 700 trường hợp chấn thương do chơi thể thao, trong đó nhiều nhất ở lứa tuổi 18-40 (chiếm 80%). Các môn thể thao hay gặp chấn thương nhất là bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, tennis; thậm chí là chạy bộ, đi xe đạp… Biểu hiện nhẹ là sưng nề phần mềm, làm người chơi thể thao khó chịu; nặng thì khiến người bệnh đau dai dẳng, có thể giãn dây chằng bên ở quanh khớp, đứt gân, đứt dây chằng chéo trước hoặc chéo sau ở khớp gối, dứt dây chằng quanh khớp cổ chân.
“Chấn thương dây chằng rất thường gặp trong cuộc sống hàng ngày do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn do sinh hoạt (nhất là người cao tuổi), vận động sai tư thế… Đáng chú ý, nhiều người bệnh đến BV trong tình trạng muộn hoặc do người bệnh chủ quan cố chịu đau, sau một thời gian không khỏi mới tìm đến bác sĩ. Nhiều trường hợp để lại những biến chứng lâm sàng đáng tiếc, khi đó hiệu quả điều trị sẽ thấp, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống sau này”, BS-CKII Đỗ Hữu Lương cho hay.
Cần một hệ sinh thái YHTT
Số liệu của Tổng cục TDTT, Bộ VH-TT-DL ghi nhận, trong 5 năm trở lại đây, khoảng 40% dân số cả nước tập luyện TDTT thường xuyên; số gia đình tập luyện TDTT ước đạt 25% và số câu lạc bộ (CLB) thể thao là gần 58.000 CLB… Số lượng vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp cả nước cũng lên tới cả chục ngàn người ở cấp tỉnh/thành, hàng ngàn VĐV cấp quốc gia của hơn 40 bộ môn, nhưng hiện chỉ có trên 40 nhân viên làm việc trực tiếp cùng các đội tuyển. Số y, bác sĩ thể thao cũng chỉ vài trăm người.
Do nhu cầu người dân chơi thể thao tăng cao, các chấn thương cũng tăng lên và trở nên ngày càng phức tạp, liên quan đến khớp gối phải phẫu thuật chiếm đến 80%. Ngoài chấn thương thể thao, các chuyên gia cũng lo ngại về việc người tập TDTT tập luyện sai cách, gắng sức dẫn đến bị đột quỵ tăng lên.
Theo BS-CKII Đỗ Hữu Lương, YHTT là một nhánh trong y học, có nhiệm vụ giải quyết các vấn đề sức khỏe thể chất và điều trị cũng như phòng chống các chấn thương liên quan tới hoạt động TDTT. Đây là một khái niệm khá mới mẻ và chỉ phát triển ở Việt Nam khoảng 10 năm qua. Tuy nhiên, YHTT bị đánh đồng với các khoa vật lý trị liệu hay phục hồi chức năng, khiến các VĐV không được điều trị kịp thời, ảnh hưởng tới thi đấu và thành tích. Người tập luyện TDTT khi bị chấn thương khó tiếp cận cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị, vì vấn đề cốt lõi là không có có bác sĩ chuyên khoa về YHTT.
TS-BS Phan Vương Huy Đổng, Chủ tịch Hội YHTT TPHCM, cho rằng, không khó để nhận thấy sự chênh lệch trong tương quan lực lượng giữa đội ngũ y, bác sĩ thể thao hiện nay và đối tượng cần sự chăm sóc của họ.
“Việt Nam cần một hệ sinh thái YHTT phát triển vững mạnh từ cơ sở tới trung ương, trong đó nguồn lực con người được đào tạo bài bản, chính quy, chuyên sâu là quan trọng nhất”, TS-BS Phan Vương Huy Đổng nêu ý kiến.
BS-CKII Đỗ Hữu Lương, Chủ nhiệm Khoa YHTT, Bệnh viện Quân y 175, Bộ Quốc phòng, cho biết, hiện cả nước chỉ có Trường Đại học TDTT Bắc Ninh, Đại học TDTT TPHCM đã mở mã ngành số 7729001 về y sinh học TDTT. Nhưng đây mới chỉ là ngành y tế đào tạo y, bác sĩ chuyên môn về y tế vận động, giải quyết các vấn đề sức khỏe thể chất và điều trị cũng như phòng chống các chấn thương liên quan tới TDTT, chưa phải bác sĩ chuyên sâu về YHTT. Vì vậy, Bộ Y tế cần sớm cấp mã ngành đào tạo và mã ngạch của YHTT cho các viện, trường y để đào tạo đội ngũ y, bác sĩ chuyên sâu về YHTT. Có như vậy mới đảm bảo thực hiện được chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong đó đào tạo 50-300 bác sĩ thể thao/năm. |