Phát triển vùng nguyên liệu dừa phục vụ chế biến, xuất khẩu

Ngày 10-9, ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển khoảng 79.000ha, trong đó có 20.000ha sản xuất hữu cơ; khoảng 2.000ha được cấp mã số vùng trồng. Đến năm 2030, phát triển ổn định diện tích dừa khoảng 80.000ha, 25.000ha dừa hữu cơ, diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 6.000ha, nhằm đảm bảo vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Dừa Bến Tre xuất khẩu sang hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ
Dừa Bến Tre xuất khẩu sang hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ

Theo ông Đảnh, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ dừa ngày càng tăng, như: kẹo dừa, dầu dừa, chỉ dừa, than hoạt tính được xuất khẩu với khối lượng và kim ngạch ngày càng tăng.

Để đảm bảo vùng nguyên liệu, phục vụ sản xuất và chế biến, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ phát triển diện tích vườn dừa canh tác theo hướng hữu cơ trên cơ sở liên kết chuỗi giá trị bền vững; đảm bảo truy xuất nguồn gốc; cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói theo yêu cầu thị trường.

"Trước mắt, ngành nông nghiệp chú trọng công tác đánh giá và cấp mã số đối với các vùng trồng dừa tươi có nhu cầu xuất khẩu sang thị trường các nước theo con đường chính ngạch, trong đó dừa tươi của Bến Tre đáp ứng các yêu cầu được nêu trong Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc”, ông Đảnh cho hay.

Hiện toàn tỉnh có 133 vùng trồng cơ bản đáp ứng các điều kiện về sản xuất theo quy định hiện hành, đăng ký cấp mã số vùng trồng dừa tươi xuất khẩu với diện tích gần 8.400ha và trên 12.800 hộ tham gia.

DSC_1292.JPG
Dừa sáp Trà Vinh mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nông dân thoát nghèo

Còn tại Trà Vinh, ngoài dừa uống thì dừa sáp được xem là cây trồng đặc sản của tỉnh, mang lại giá trị kinh tế cao.

Theo đánh giá, nếu dừa thường có lúc xuống còn 3.000 đồng/trái thì dừa sáp loại 1 luôn dao động ở mức 100.000 đồng/trái, bán hút hàng. Hiện toàn tỉnh có 1.277ha dừa sáp, tập trung nhiều nhất tại huyện Cầu Kè và rải rác tại Trà Cú, Càng Long, Tiểu Cần.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Trung Hoàng, chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh sẽ phát triển thêm khoảng 550ha dừa sáp đặc sản; đồng thời định hướng để xây dựng thương hiệu dừa sáp Trà Vinh, trong đó áp dụng công nghệ giống tiên tiến, đặc biệt là giống dừa cấy phôi, cấy mô có tỷ lệ sáp cao, nhằm cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt là mở rộng diện tích trồng dừa sáp để tạo ra nguồn nguyên liệu phong phú, đủ sức cung cấp cho nhiều thị trường trong nước và quốc tế.

Tin cùng chuyên mục