Ngày 1-7, tại Quảng Nam, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Tọa đàm "Liên kết phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung trong bối cảnh mới".
Chủ trì Tọa đàm có ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; các chuyên gia cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương…
Phát biểu tại tọa đàm, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần phối hợp huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển thông qua việc tổ chức chung Hội nghị xúc tiến đầu tư, huy động nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong nước để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trong vùng.
Trong đó chú trọng hình thức PPP hoặc liên doanh trong thu hút FDI phát triển cơ sở hạ tầng tại các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, cảng biển, đường bộ, đường sắt, năng lượng tái tạo, công nghiệp phục vụ kinh tế biển, phát triển đô thị thông minh, sản xuất trang thiết bị y tế, công nghiệp chế biến phục vụ liên kết vùng. Thúc đẩy liên kết trong đào tạo và sử dụng lao động: đầu tư xây dựng phát triển các cơ sở giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương trong vùng nhằm phát huy thế mạnh của các cơ sở đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Còn ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, để phát triển vùng kinh tế trọng điểm thì đến nay vẫn chưa có quy định pháp lý nào quy định về cơ chế hoạt động của ban điều phối hay hội đồng. Việc nguồn lực để phát triển thì ngân sách phân bổ hàng năm về vùng kinh tế trọng điểm, luật ngân sách quy định ngân sách địa phương này không được sử dụng cho địa phương khác.
Phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung còn chậm
Phát biểu tại tọa đàm, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung có điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được Nghị quyết 39-NQ/TW định hướng phát triển để “trở thành vùng kinh tế động lực thúc đẩy, lôi kéo các địa phương khác mà trước hết là các tỉnh trong vùng cùng phát triển; phát huy tối đa tác động hành lang Đông - Tây của tiểu vùng Mê Kông mở rộng, tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và vùng Đông Bắc Thái Lan”.
Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, những nội dung đối thoại, trao đổi tại tọa đàm rất sâu sắc, chất lượng, toàn diện, có tính thực tiễn cao, bám sát các chủ trương, định hướng lớn của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam để đề xuất các định hướng, các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Để hoàn thiện Đề án tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW, Ban Chỉ đạo giao Thường trực Tổ Biên tập chắt lọc kết quả tọa đàm để lựa chọn, tổng hợp đảm bảo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ tổng kết và tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư các chủ trương, định hướng nhằm phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ thời gian tới.