Ngày 10-8, tại TPHCM, Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ tổ chức hội nghị lần thứ 4. Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị còn có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, các tỉnh thành trong vùng Đông Nam bộ.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương cao quyết tâm, nỗ lực và trách nhiệm của lãnh đạo, nhân dân và doanh nghiệp của vùng Đông Nam bộ. Thủ tướng đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo, đổi mới để đạt những kết quả quan trọng, đóng góp vào thành quả chung của cả nước thời gian qua.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ, quá trình phát triển của vùng Đông Nam bộ vẫn còn đối mặt với một số hạn chế, khó khăn, thách thức. Đó là tăng trưởng kinh tế vùng 6 tháng chỉ đạt 5,58%, thấp hơn mức bình quân cả nước, chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên (3,86%). Mô hình tăng trưởng chậm chuyển đổi, động lực tăng trưởng của vùng đang chậm lại.
Chất lượng tăng trưởng kinh tế của vùng chưa thực sự bền vững, khả năng chống chịu và chưa có các giải pháp kịp thời trước các yếu tố tiêu cực từ bên ngoài.
Công nghiệp là một trong 3 trụ cột quan trọng của vùng nhưng phát triển còn thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, phân bổ chưa hợp lý, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập úng là vấn đề bức xúc nhưng chậm được cải thiện, nhất là tại TPHCM. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh còn hạn chế; liên kết vùng thiếu chặt chẽ.
Trước những vấn đề vướng mắc, tồn đọng, Thủ tướng nhấn mạnh, không hợp thức hóa sai phạm mà phải giải quyết công việc đang đặt ra trong thực tiễn. Đồng thời, không thể cam chịu mà phải vận dụng sáng tạo trong điều kiện hiện nay để giải quyết, xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài.
Để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực hiện Quy hoạch vùng trong thời gian tới và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng Đông Nam bộ, Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành và 6 địa phương cần chủ động, tích cực hoàn thành có chất lượng các nhiệm vụ được giao; nắm chắc tình hình phản ứng chính sách kịp thời.
Trong đó, từ nay đến cuối năm 2024, các bộ, ngành, địa phương rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Tất cả phải quyết liệt nỗ lực, phấn đấu hoàn thành, góp phần vào mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Cùng với đó, tích cực, quyết liệt triển khai công tác quy hoạch. Rà soát các điểm nghẽn, vướng mắc về pháp lý trong thực tiễn để cùng các bộ ngành Trung ương đề xuất sửa đổi một số luật, đặc biệt là Luật Đầu tư công. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tăng cường liên kết vùng.
Thủ tướng lưu ý phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội. Đồng thời, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, chip bán dẫn, hydrogen, trí tuệ nhân tạo…).
Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tập trung vào các ngành mới nổi. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện một trong 3 đột phá chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT sớm tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế xã hội, trên cơ sở đó ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển vùng.
Các bộ, ngành, địa phương được giao chủ trì khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu đối với các dự án lớn của vùng và liên vùng. Cụ thể đó là, đề án Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM, Trung tâm Thương mại tự do tại Bà Rịa - Vũng Tàu, các hệ thống đường kết nối trong vùng.
Các địa phương TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước khẩn trương hoàn thành các thủ tục tiếp theo đối với đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Chơn Thành - Gia Nghĩa, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Thủ tướng giao, phấn đấu khởi công các dự án cao tốc này vào dịp 30-4-2025.
Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi tích hợp, lồng ghép các cơ chế, chính sách. Trong đó có các chính sách huy động nguồn lực, nhất là đối với các địa phương ở vùng Đông Nam bộ có khả năng thu lớn.
Việc này nhằm tạo điều kiện để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến cao tốc, quốc lộ và các dự án đi qua địa bàn các tỉnh để chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao TPHCM chủ trì, trình các cơ chế chính sách vượt trội đối với Dự án đường Vành đai 4 TPHCM, thời hạn trình vào kỳ họp của hội đồng vào tháng 11-2024.