Điểm giao chính sách và thực tiễn
Hiện nay, trên địa bàn TPHCM có 17.670 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa, chiếm 7,74% số doanh nghiệp của toàn thành phố. Bên cạnh các đơn vị nghệ thuật công lập, thành phố còn có các đơn vị nghệ thuật sân khấu xã hội hóa, gồm: 38 rạp chiếu phim, 11 sân khấu kịch tư nhân, trên 900 doanh nghiệp tổ chức biểu diễn nghệ thuật.
Tuy nhiên, thực tế sự phát triển văn hóa nghệ thuật của thành phố liệu đã xứng tầm với tiềm năng, lợi thế? Tại tọa đàm “Nghiên cứu đề xuất giải pháp khuyến khích các nguồn lực xã hội phát triển văn hóa nghệ thuật trên địa bàn TPHCM, giai đoạn 2021-2035” do Sở VH-TT TPHCM phối hợp cùng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại TPHCM tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VH-TT-DL), chia sẻ: “Từ thực tế có thể nhận thấy, sự thiếu đồng bộ về hạ tầng, cơ chế chính sách và nguồn nhân lực không chỉ là rào cản, điểm nghẽn mà còn là thách thức, lực cản đối với sự phát triển của thị trường văn hóa nghệ thuật tại TPHCM, trong đó nguồn lực xã hội hóa bị “kìm nén” lớn nhất từ chính sách pháp luật”.
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Trong đó, cho phép thành phố được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực văn hóa và thể thao, được chủ động quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án PPP này.
Để triển khai chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa, Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 4853/QĐ-UBND ngày 25-10-2023 về phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030. Theo đó, xác định các nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó nguồn lực xã hội hóa lĩnh vực nghệ thuật đóng vai trò rất quan trọng.
Ông Nguyễn Thanh Sơn phân tích: “TPHCM có đặc trưng và điều kiện đặc thù phát triển lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, nổi bật là công nghiệp văn hóa, cùng với đó là các chính sách xã hội hóa lĩnh vực này đang dần hoàn thiện. Điểm giao hòa giữa chính sách và thực tiễn sinh động của TPHCM tạo cho nơi đây khả năng cao trở thành khu vực hội tụ, ươm mầm những yếu tố khơi nguồn chính sách sáng tạo nghệ thuật, chính sách xã hội hóa, huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa nghệ thuật. Chúng ta nên bắt đầu từ cơ chế chính sách và đồng bộ với tổ chức triển khai từ đầu tư, môi trường, nguồn nhân lực”…
Hạ tầng còn dang dở
Ngành văn hóa TPHCM hiện có 6 nhà hát và 2 trung tâm thực hiện chức năng tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật, được giao quản lý và vận hành nhiều cơ sở vật chất, nhưng đa phần đang trong tình trạng xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu biểu diễn nghệ thuật. Để có thể kêu gọi nguồn lực xã hội, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đồng quan điểm phải khắc phục hạn chế trước mắt về các thiết chế, hạ tầng.
ThS Võ Thành Trung, nhà sản xuất chương trình À Ố show, cho biết: “Các nhà hát nghệ thuật tại TPHCM đang rất khó khăn do cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn. Như Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM dù rất nỗ lực với các hoạt động tổ chức 4 suất diễn mỗi tháng, mời nghệ sĩ quốc tế về biểu diễn… nhưng ban giám đốc nhà hát từng nhìn nhận, hoạt động nghệ thuật hàn lâm còn đơn lẻ, thu nhập từ biểu diễn của nghệ sĩ rất thấp. Hoạt động chính vẫn phải dựa vào nguồn ngân sách công vốn luôn eo hẹp”.
Hiện nay, thành phố có khoảng 10 sân khấu kịch và 20 địa điểm có thể sử dụng để biểu diễn nghệ thuật. Trong số này, chỉ có 5 nhà hát đáp ứng được yêu cầu của hoạt động biểu diễn là: Hòa Bình, Bến Thành, Nhà hát Thành phố, Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Quân đội. Một số nhà hát khác chỉ là nơi làm việc, không phù hợp để tổ chức biểu diễn, không có lợi thế về vị trí của một thiết chế văn hóa.
TS Nguyễn Thị Hậu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, chia sẻ: “Hiện nay, nhiều thiết chế văn hóa bị cư dân đô thị quên lãng. Mặc dù bảo tàng, thư viện đã có sự thay đổi nhất định, nhưng vẫn chưa theo kịp sự phát triển các loại hình giải trí, truyền thông cũng như tri thức khoa học kỹ thuật. Nhiều rạp hát và rạp phim đang dần biến mất, nhường chỗ cho trung tâm thương mại, nhà hàng và tổ chức tiệc cưới… TPHCM không còn rạp cải lương sáng đèn hàng đêm, đó là sự mất mát quá lớn - một di sản văn hóa tiêu biểu của thành phố và của Nam bộ”.
Đồng quan điểm về việc cấp thiết trong nâng cấp cơ sở hạ tầng, thiết chế cho ngành văn hóa, TS Nguyễn Văn Thăng Long, giảng viên cao cấp, Trường Đại học RMIT Việt Nam, phân tích: “Các cơ sở vật chất hiện nay chưa tương xứng với tầm vóc và tiềm năng TPHCM như là một trung tâm của ngành công nghiệp văn hóa giải trí của cả nước. Việc thu hút các chương trình chuyên nghiệp quốc tế phải đáp ứng được yêu cầu về cơ sở vật chất, có thể phục vụ được vài chục ngàn khán giả, nhằm đảm bảo được doanh thu và tài trợ của chương trình biểu diễn. Hiện tại, các nhà thi đấu, sân vận động tại TPHCM vừa xuống cấp, vừa thiếu sức chứa làm mất đi cơ hội thu hút các chương trình âm nhạc lớn của các siêu sao khu vực và thế giới”.
Có thể thấy, việc huy động nguồn lực xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp tài chính, cơ sở vật chất, đào tạo và hỗ trợ cho các nghệ sĩ và dự án nghệ thuật. Từ đó, thúc đẩy phát triển lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật - sáng tạo tại thành phố trở thành động lực kinh tế quan trọng với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ và đóng góp vào sự đổi mới trong toàn bộ nền kinh tế.
Trước mắt cần hoàn thiện chính sách, cơ chế để giải quyết hạn chế, tạo ra môi trường thúc đẩy và hỗ trợ cho việc huy động nguồn lực xã hội đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả. Tính toán ưu tiên nâng tầm diện mạo thiết chế và hạ tầng cho ngành văn hóa làm nền tảng vận hành và khai thác.