Cơ hội từ công nghệ số
Vào giữa tháng 5, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích hợp công nghệ để định danh số 10 cổ vật triều Nguyễn tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Đây có thể coi là một bước ngoặt trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản đặc biệt này. Từ nay, khách tham quan có thể dùng điện thoại thông minh kết nối với chip NFC gắn trên cổ vật, mở ra tương tác đa chiều toàn bộ thông tin lịch sử, nguồn gốc, ý nghĩa văn hóa, hình ảnh 3D… của cổ vật.
Việc đưa di sản lên bảo tàng không gian số là cách quảng bá lịch sử, văn hóa Việt Nam đến khách tham quan toàn cầu, đặc biệt là hơn 20 triệu người đang sở hữu các thiết bị như Apple Vision Pro và Meta Quest. Hơn thế, theo đại diện của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, việc phát triển những sản phẩm trong triển lãm số còn có thể tiến tới thu phí từ người xem hoặc bán các phiên bản được chứng thực cho khách hàng số có nhu cầu.
Trước đó, việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong trưng bày Bảo tàng cổ vật Thăng Long dưới hầm Nhà Quốc hội cũng là một ví dụ điển hình. Với ứng dụng công nghệ trình chiếu 3D, kết hợp giữa thực và ảo, chỉ trong một thời gian ngắn, người xem có thể cảm nhận được tương đối đầy đủ quy mô cũng như bề dày lịch sử của Hoàng thành Thăng Long. Năm 2023, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Kinh thành (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã giải mã và phục dựng 3D thành công hình ảnh kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê sơ.
Kết quả nghiên cứu trên cùng hình ảnh 3D sống động đã giúp người xem hình dung, cảm nhận về kiến trúc điện Kính Thiên mang vẻ đẹp tráng lệ, đầy uy quyền.
Tương tự, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khá thành công khi thu hút lượng khách trong nước và quốc tế khá lớn bởi ứng dụng công nghệ trưng bày hiện đại kết hợp không gian trưng bày ảo trên không gian mạng.
Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cho biết, đứng trước thách thức phải đổi mới để phục vụ khách tham quan hiệu quả hơn, đơn vị đã ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA. Với điện thoại hoặc máy tính bảng có kết nối internet và trả phí tải ứng dụng, khách tham quan có thể khám phá 165 tác phẩm tiêu biểu trên hệ thống trưng bày thường xuyên của bảo tàng bất cứ khi nào, ở bất cứ nơi đâu trên toàn thế giới. Thời lượng cho mỗi lần sử dụng iMuseum VFA lên đến 8 giờ, với 9 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Tây Ban Nha, Ý và Đức.
Có thể kể thêm việc áp dụng thành công công nghệ hiện đại tại di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Với hệ thống thuyết minh tự động gồm 12 ngôn ngữ; ứng dụng tương tác qua mã QR giúp du khách tự khám phá những giá trị của di tích mà không phụ thuộc vào hướng dẫn viên du lịch. Đặc biệt, cuối năm 2023, tour trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám mang tên “Tinh hoa đạo học” được đưa vào khai thác với việc ứng dụng các công nghệ 3D mapping hiện đại nhất.
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cho biết: “Thành công nhất của chúng tôi là phục vụ đa dạng lượng khách tham quan, thay đổi được thói quen, cách trải nghiệm, phương thức tiếp cận di sản, nhất là với giới trẻ”.
Những thách thức đặt ra
Đẩy nhanh tốc độ số hóa để bảo tồn, khai thác tốt hơn các giá trị di sản đang trở thành áp lực không nhỏ đối với nhiều địa phương. Đơn cử, Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa cố đô Hoa Lư đang bảo quản, lưu giữ khoảng 1.000 hiện vật, trong đó có 5 bảo vật quốc gia.
Bà Lê Thị Bích Thục, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa cố đô Hoa Lư, cho biết, các đơn vị liên quan đang phối hợp đẩy mạnh việc số hóa các hiện vật. Việc ứng dụng số hóa, công nghệ lưu trữ cùng các phần mềm tái hiện đa phương tiện, công chúng sẽ được tiếp cận, khai thác và tương tác mà không làm tổn hại đến di sản, di tích.
Tại Bắc Ninh, ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bắc Ninh, cho biết, đề án Chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2024-2030 vừa được thông qua, trong đó, yêu cầu cần xây dựng các mô hình bảo tàng số, du lịch số, thư viện số. Với chi phí thấp, mang tính trực quan, độ tin cậy cao, các di sản ở dạng số hóa có thể được quảng bá mà không bị giới hạn về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ… Mặt khác, từ các hiện vật đã được số hóa, công tác tu bổ di tích có thể dựa vào đó để khôi phục chính xác những phần bị hư hỏng. Hiện cả tỉnh đã có gần 600 di tích hoàn tất số hóa.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, việc số hóa di tích vẫn là một bài toán khó đối với người làm di sản cũng như đơn vị quản lý di sản.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, quá trình số hóa dữ liệu cần phải qua 2 bước: một là nhận diện di sản và sau đó mới tư liệu hóa. Nhà khoa học cần phải hiện diện ở cả hai bước này nhằm đánh giá di sản và đảm bảo từng thao tác kỹ thuật trong các khâu tư liệu hóa đúng với yêu cầu bảo tồn. Việc số hóa phục vụ du lịch cần chụp ảnh, quét 3D những khu vực đẹp nhất, nổi bật nhất và xây dựng nội dung sao cho ấn tượng, đẹp mắt, trong khi số hóa để bảo tồn phải đảm bảo kỹ lưỡng, chính xác gấp nhiều lần. Tình trạng người làm công nghệ không đủ am hiểu về di sản, người làm di sản không tiếp cận về công nghệ cũng là một trong những cản trở lớn trong quá trình số hóa.
Tháng 12-2021, Chính phủ ban hành Quyết định số 2026/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình số hóa di sản Việt Nam giai đoạn 2021-2030, với các mục tiêu: 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, 100% các di tích quốc gia đặc biệt được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; 100% các bảo vật quốc gia, di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa, ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội; 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số…
Còn theo bà Nguyễn Thị Hoan, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cùng với nỗi lo về nhân sự, kinh phí nhỏ giọt thì vấn đề của việc số hóa là cần có sự thống nhất trong các định dạng kỹ thuật để có được một kho dữ liệu dùng chung. Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam của Chính phủ tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành từ cuối 2021, nhưng đến nay, Bộ VH-TT-DL chưa có bất cứ văn bản hướng dẫn nào về các nội dung liên quan.
Cùng chung trăn trở, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cũng chỉ ra một trong những khó khăn trong số hóa là nhận thức, đôi khi còn chưa đầy đủ từ chính những người làm văn hóa dẫn đến việc thực hiện một cách thụ động. Khi không ý thức được sẽ dẫn đến việc thực hiện đối phó và không tạo ra sức mạnh. Thậm chí còn có tư tưởng số hóa xong lại cất giữ trong kho vì quan niệm rằng giữ trong nhà thì là tài sản, chia sẻ đi thì sẽ mất. Điều này không đúng với tri thức, vì càng lan tỏa, sức mạnh tri thức sẽ tăng lên, câu chuyện số hóa di sản cũng như vậy.
Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL), thừa nhận, thời gian qua, việc xây dựng kho dữ liệu số về di sản chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục và bền vững, chưa tính đến việc liên kết dữ liệu, nền tảng để cùng khai thác. Nguyên nhân là do nguồn nhân lực còn mỏng và nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Mặt khác, trách nhiệm và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân liên quan chưa chặt chẽ.
“Ngành di sản thời gian tới sẽ tập trung thực hiện số hóa và triển khai ứng dụng trên các nền tảng số đối với các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản tư liệu được ghi danh và các di tích đã được xếp hạng. Đặc biệt, sẽ ưu tiên số hóa các di sản được UNESCO công nhận, các di tích quốc gia đặc biệt”, bà Hiền cho biết.