Tất cả cùng chung tay
Năm 2022, lần đầu tiên ngành xuất bản cán mốc mục tiêu 6 bản sách/người/năm. Bên cạnh đó, số lượng các đầu sách có lượng ấn bản lớn tăng lên. Một số cuốn sách thu hút được nhiều bạn đọc và cho đến nay được đã tái bản nhiều lần, in hoặc phát hành điện tử với số lượng lớn, như: Đắc nhân tâm (in 750.500 bản), Trên đường băng (590.000 bản), Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (410.000 bản), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (331.000 bản), Mắt biếc (299.000 bản), Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu (365.000 bản), Đọc vị bất kỳ ai: Để không bị lừa dối và lợi dụng (205.200 bản)... Ở lĩnh vực Audiobook, một số đầu sách có lượt nghe trên 1 triệu như Đắc nhân tâm, Sức mạnh tiềm thức, Biểu tượng thất truyền, Hành trình về phương Đông, Ngồi khóc trên cây…
Những con số trên có thể xem là “trái ngọt” cho nỗ lực xây dựng, phát triển văn hóa đọc thời gian qua. Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, cho rằng, xét đến cùng trong ngành xuất bản, điều ý nghĩa và quan trọng nhất là chất lượng sách. Theo ông, năm qua, chiều kích không gian sáng tạo đã được mở rộng hơn.
“Chúng ta nhìn thấy ở đó rất nhiều công trình, tác phẩm có giá trị xuất hiện. Những tủ sách lớn, đầu sách lớn đã được bạn đọc quan tâm nhiều hơn. Năm nay, chúng ta đã có những đầu sách hàng trăm ngàn bản, tất nhiên là được tái bản nhiều lần, trải qua thời gian dài. Đã có những đầu sách nói vượt lên con số 1,5 triệu lượt nghe. Đây là thành công rất lớn”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Đặc biệt, bên cạnh các cơ quan chức năng là sự vào cuộc, chung tay của nhiều tổ chức xã hội và cá nhân, với một mục tiêu chung là lan tỏa văn hóa đọc đến cộng đồng. Có thể thấy điều này qua nhiều hoạt động gắn với việc khuyến đọc, diễn ra trong đời sống. Cùng với đó là những hội sách, cuộc thi như Đại sứ văn hóa đọc, Lớn lên cùng sách, Cuốn sách thay đổi cuộc đời, Review sách… Nhất là trong trường học, có nhiều hoạt động tác động đến nhận thức và gieo sự quan tâm và yêu thích việc đọc sách ở thầy cô và học sinh. Tại các trường học, đã xuất hiện nhiều CLB đọc sách, khuyến khích mọi người đến với sách và đọc sách.
Gần đây, nhà văn Võ Thu Hương (Ủy viên Hội đồng Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam) về các trường học giao lưu, trò chuyện với các em thông qua chương trình Mang sách về trường học từ một số đơn vị như NXB Kim Đồng, Đông A, Sbooks.
Theo nhà văn Võ Thu Hương, có một thực tế là sách ở các trường không thiếu nhưng không ít em vẫn chưa được định hướng đọc cho đúng. “Nhiều trường học vẫn đang nặng về những cuốn sách kỹ năng như phòng tránh cháy nổ, phòng đuối nước… và chỉ dừng lại ở sách kỹ năng và khoa học. Đó cũng là những kiến thức cần thiết, nhưng chưa đủ. Các em cần phải có thêm những đầu sách văn học. Bởi sách văn học giúp tâm hồn các em giàu có, biết yêu thương, chia sẻ hơn đến những người xung quanh”, nhà văn Võ Thu Hương cho biết.
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Đường sách TPHCM: "Những tín hiệu tích cực vừa qua cũng mới chỉ là bước đầu, bởi so với các nước trên thế giới và trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia…, số đầu sách của họ lên tới 10 đầu sách/người/năm. Chúng ta đến nay mới đạt 6 cuốn/đầu người/năm; chưa kể, trong số 6 cuốn thì đã có 3 cuốn là sách giáo khoa. Để số lượng này cao hơn nữa, cần phải thực hiện các giải pháp căn cơ, làm sao để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ ngay từ khi tuổi thơ trong môi trường gia đình và trường học. Nếu chúng ta thực hiện được việc này, mới có thể thực hiện được việc phát triển văn hóa đọc đích thực và căn cơ"
Vẫn cần phải tiếp tục
Quan sát từ thực tế, ThS Thái Thu Hoài, Phó Trưởng Khoa Xuất bản (Trường Đại học Văn hóa TPHCM), dự đoán năm 2023 sẽ là một bước tiến mới của xuất bản cũng như hoạt động phát triển văn hóa đọc. Khác với trước đây, hiện nay câu chuyện văn hóa đọc đã nhận được sự quan tâm của các cơ quan trung ương và địa phương, nhất là khi ngày 21-4 được chọn là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
“Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm đầu tiên 2022 được tổ chức tại TPHCM, năm 2023 là ở Huế và những năm tới là các địa phương khác để lan tỏa văn hóa đọc sách trong cộng đồng. Năm 2022 có sự phát triển rực rỡ như thế thì năm 2023 sẽ là yếu tố, chất xúc tác cho những năm tiếp theo, ít nhất là trong 3 năm tới, văn hóa đọc của chúng ta sẽ phát triển hơn”, ThS Thái Thu Hoài bày tỏ.
Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, dù đã có một số thành tựu nhất định, nhưng để văn hóa đọc phát triển hơn nữa, vẫn chưa thể dừng lại mà phải tiếp tục kiến nghị, tác động đến các cơ quan lập pháp, hành pháp để có nhiều điều luật, cơ chế chính sách hơn nữa cho vấn đề phát triển văn hóa đọc.
Ông Lê Hoàng nói: “Luật Xuất bản sắp tới sửa đổi, bổ sung nên có điều mới là phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Trước đây, Luật Xuất bản chỉ đề cập đến xuất bản, in và phát hành thôi, chứ không nói đến phát triển văn hóa đọc. Hiện tại, Luật Thư viện đã đề cập đến văn hóa đọc, tại sao Luật Xuất bản lại không nói tới?”.
Một trong những điều đặc biệt của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2 năm 2023 tại TPHCM là có sự chung tay của 10 Đại sứ văn hóa đọc, nhiệm kỳ 2023-2024.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cho biết: “Năm nay, lần đầu tiên chúng tôi mời 10 gương mặt làm Đại sứ văn hóa đọc của thành phố. Thông qua những người có tầm ảnh hưởng, có lý tưởng sống tốt đẹp, có đóng góp giá trị cho xã hội, sẽ có những thông điệp về sách, góp phần lan tỏa, truyền cảm hứng trong lĩnh vực của mình để ngày càng có nhiều người yêu sách hơn, viết sách và đọc sách nhiều hơn”.
Một số hoạt động tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2
- Giao lưu với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư về bộ sách Gia Định - Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020) nhân kỷ niệm 325 năm hình thành Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM (1698-2023) và kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (8 giờ 30 ngày 19-4 tại sân khấu đường Công xã Paris).
- Giao lưu với bác sĩ Vũ Phi Yên và dịch giả Hải Âu về tác phẩm Metahuman - Siêu nhân loại: Mở khóa tiềm năng vô hạn trong bạn (18 giờ 30 ngày 19-4 tại sân khấu Đường sách TPHCM).
- Diễn đàn chủ đề: ChatGPT về việc viết văn, viết sách của giới trẻ hiện nay” (18 giờ 30 ngày 20-4 tại sân khấu đường Công xã Paris).
- Chương trình giới thiệu tập truyện ngắn Ma gánh hát v/s Ma bịnh viện của hai nhà văn Mạc Can và Nguyễn Đông Thức (9 giờ ngày 20-4 tại sân khấu Đường sách TPHCM).
- Lễ phát động phong trào Cựu chiến binh đọc và giới thiệu sách (15 giờ ngày 20-4 tại sân khấu Đường sách TPHCM).
- Chương trình chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 2 - năm 2023 (8 giờ ngày 21-4 tại sân khấu đường Công xã Paris).
- Chương trình giao lưu, giới thiệu sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh của đồng chí Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng (9 giờ ngày 21-4 tại Nhà văn hóa Thanh Niên).
- Hội thảo Xuất bản sách điện tử. Tại sao không? (15 giờ ngày 21-4 tại sân khấu Đường sách TPHCM).
- Tọa đàm hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em và trao giải hội thi Lớn lên cùng sách lần 8 và Văn hay chữ tốt lần thứ 23, năm 2022-2023 (8 giờ ngày 22-4 tại sân khấu đường Công xã Paris).
- Ra mắt dự án Sách xoay 3600 - Cùng con vòng quanh thế giới sách (16 giờ ngày 22-4 tại sân khấu đường Công xã Paris).
- Tọa đàm Văn học thiếu nhi - luồng gió mới từ những tác giả trẻ (9 giờ ngày 22-4 tại sân khấu Đường sách TPHCM).
- Chương trình giao lưu với nhà văn Nhật Chiêu và dịch giả Quế Sơn về tác phẩm Nắng tháng Tám của William Faulkner (9 giờ ngày 23-4 tại sân khấu đường Công xã Paris).
- Talkshow Áp dụng tâm lý học nhân cách vào việc đọc sách chuyên ngành và sách kỹ năng cho sinh viên đại học (15 giờ ngày 23-4 tại sân khấu đường Công xã Paris).
- Sân chơi khuyến đọc dành cho thiếu nhi, mở cửa miễn phí (9 giờ ngày 23-4 tại sân khấu Đường sách TPHCM).
- Workshop đọc sách Hít hà mùi đất nước và tập sáng tác (14 giờ ngày 23-4 tại sân khấu Đường sách TPHCM).