Hội thảo có sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ nhiều tỉnh, thành và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất cho rằng phát triển điện hạt nhân là xu thế tất yếu trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển đổi năng lượng, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải và phát triển bền vững. Nhiều ý kiến nhấn mạnh yêu cầu tuyên truyền đầy đủ, rõ ràng về lợi ích, tính an toàn và vai trò của năng lượng nguyên tử, từ đó tạo sự đồng thuận trong xã hội, đặc biệt tại các địa phương dự kiến triển khai dự án.

Ông Lê Hữu Thọ, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Khánh Hòa, đề nghị tăng cường ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là y tế; đồng thời phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đẩy mạnh truyền thông để tạo niềm tin trong nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái cho biết, tỉnh hiện là địa phương có nền tảng vững chắc trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hạt nhân, với hạ tầng đồng bộ và đội ngũ cán bộ chuyên môn cao. Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã vận hành an toàn gần 70.000 giờ; cung cấp khoảng 14.000 Ci thuốc phóng xạ cho 23 bệnh viện; nghiên cứu, chế tạo thành công thiết bị đo đạc, phân tích phóng xạ phục vụ trong y tế, dầu khí, môi trường...

Phát biểu kết luận, đồng chí Huỳnh Thành Đạt – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân – nhấn mạnh: việc Quốc hội tái khởi động chủ trương phát triển điện hạt nhân sau 8 năm là tín hiệu chính trị quan trọng, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc đưa năng lượng nguyên tử trở thành đòn bẩy chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển bền vững và thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.