TPHCM giữ vai trò cửa ngõ xuất nhập khẩu quan trọng của khu vực phía Nam. Cục Thống kê TPHCM ước tính khối lượng hàng hóa vận chuyển của thành phố chiếm 40% của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt gần 75% của vùng (hơn 20% của cả nước). Trong điều kiện hiện tại, hạ tầng giao thông TP chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, dễ dẫn đến ùn tắc hàng hóa ở các cảng biển, gây kẹt xe… Do vậy, TP ưu tiên phát triển ngành dịch vụ logistics theo hướng tích hợp thông minh.
Hiện đại, không phụ thuộc diện tích
Theo Sở Công thương TPHCM (đơn vị được giao xây dựng Đề án Phát triển ngành logistics), mục tiêu của đề án hướng tới việc phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của TP; đầu mối của khu vực (hơn 54% doanh nghiệp logistics cả nước kinh doanh tại TPHCM); xây dựng chương trình hỗ trợ kiến thức về quản trị logistics; đề xuất, kiến nghị Trung ương hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về logistics và các chính sách đặc thù hỗ trợ, phát triển ngành…
Đáng lưu ý, PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam, cho rằng đề án cần quan tâm nhiều đến phát triển smart logistics, hướng tới trung tâm logistics hiện đại không dựa trên quy mô diện tích. Dẫn chứng thêm, PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa lấy ví dụ tại đảo quốc Singapore. Quốc gia này khuyến khích các công ty trong nước liên doanh với các hãng nước ngoài để thiết lập hệ thống logistics toàn cầu.
Đối với Nhật Bản, khuyến khích phát triển công nghệ thông tin phục vụ logistics, thực thi chính sách để tạo dựng môi trường kinh doanh logistics thuận lợi. Với Hồng Công (Trung Quốc), có chiến lược dài hạn về đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại tại các trung tâm logistics như cảng hàng không, cảng biển; thành lập ủy ban hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi phát triển logistics; thực hiện số hóa công tác hải quan...
Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hội nhập quốc tế, góp ý thêm về việc một số doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương có kiến nghị giải quyết bài toán container rỗng bằng cách phát minh ra một phần mềm để gắn vào container, xác định được container rỗng. Nhờ vào phần mềm này để chia sẻ thông tin, giúp các doanh nghiệp vận tải khai thác hiệu quả các container rỗng, tiết kiệm chi phí...
Có doanh nghiệp cũng nói thẳng từng đặt hàng một công ty viễn thông, nhưng giá triển khai và ứng dụng phần mềm rất cao nên doanh nghiệp không có đủ kinh phí để làm. Như vậy, câu chuyện ở đây chính là cần có một bài toán chung nhằm tối ưu hóa dịch vụ vụ logistics... Thứ nữa, về nguồn nhân lực, ông Phạm Bình An ủng hộ mô hình đào tạo nhân lực logistics ngay tại doanh nghiệp; vì trên thế giới, ví dụ Đức chẳng hạn, đã đào tạo rất hiệu quả.
Gỡ nút thắt khu vực cảng biển
Một số chuyên gia dẫn chứng về việc hàng hóa tập trung nhiều tại khu vực cảng Cát Lái, gây ùn ứ nghiêm trọng. Về vấn đề này, mới đây, Cục Hải quan TPHCM cũng đã có đề án nhằm giảm ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái, nơi có khoảng 14.000 container qua cảng mỗi ngày. Theo đó, doanh nghiệp được bố trí khu vực làm thủ tục riêng, khép kín, đồng bộ, có thể giám sát quy trình làm thủ tục qua điện thoại. Triển khai tốt điều này, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm khoảng 2 triệu đồng/container (chi phí hạ container, bốc xếp, lưu kho…). Với việc triển khai đề án hiệu quả sẽ góp phần nâng cao mức độ hài lòng của doanh nghiệp.
Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, logistics đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế trong khu vực nói riêng và trên cả nước nói chung. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã đặt kho hàng lớn tại Khu công nghiệp Tân Bình, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc…
Hàng hóa được vận chuyển trực tiếp đến khách hàng thông qua các trang thương mại điện tử, dịch vụ giao hàng nhanh kết nối với doanh nghiệp. Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Sở Công thương phụ trách, nhấn mạnh đến việc phát triển các ứng dụng công nghệ thông minh, kết nối người sử dụng dịch vụ với người cung cấp dịch vụ logistics; tạo cơ hội ứng dụng công nghệ thông tin cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ…
Thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 3.000 công ty tham gia cung cấp các loại dịch vụ logistics, trong đó 70% đơn vị có trụ sở ở TPHCM, với mức đóng góp khoảng 35% doanh thu vận tải, kho bãi ở nước ta. Để tận dụng lợi thế này, các chuyên gia khuyến nghị cần khuyến khích kết nối các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trong và ngoài nước, đồng thời đề xuất các giải pháp ứng dụng công nghệ cho hoạt động logistics, như thiết lập bãi đậu xe ưu tiên cho hoạt động giao nhận hàng hóa, thiết lập bản đồ điện tử, khai thác dữ liệu hành trình của doanh nghiệp vận tải…
Việc áp dụng các ứng dụng công nghệ cho hoạt động logistics nằm trong tổng thể chiến lược xây dựng TP thông minh, giúp TP bứt phá phát triển mạnh mẽ hơn.