Nhật Bản ủng hộ lập trường của Việt Nam về Biển Đông
Tiếp Thủ tướng Suga Yoshihide, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao việc Thủ tướng Suga chọn Việt Nam là nước đến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức, thể hiện sự coi trọng đặc biệt đối với Việt Nam cũng như quan hệ hai nước, đồng thời bày tỏ vui mừng trước quan hệ giữa hai nước thời gian qua đã có những bước tiến mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả với sự tin cậy chính trị cao trên tất cả các lĩnh vực theo tinh thần của “Tuyên bố về Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản”. Hai nước đã thể hiện rõ tinh thần đối tác chiến lược sâu rộng, là bạn tốt trong lúc khó khăn, cùng chia sẻ, tích cực hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong phòng chống dịch Covid-19.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, thúc đẩy quan hệ với các đối tác ngày càng đi vào chiều sâu, trong đó luôn xác định Nhật Bản là đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu và lâu dài với sự tin cậy cao.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao lập trường của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông, trong đó có việc giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982.
Thủ tướng Suga cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các nhà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đã dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Nhật Bản sự đón tiếp nồng hậu, chân thành. Thủ tướng Suga bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong sự nghiệp đổi mới; bày tỏ khâm phục việc Việt Nam đã khống chế thành công dịch Covid-19; khẳng định Nhật Bản coi trọng vị trí của Việt Nam trong khu vực, luôn ủng hộ sự phát triển của Việt Nam, chính quyền mới của Nhật Bản sẽ kế thừa, phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Nhật Bản - Việt Nam đã được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước xây dựng trong nhiều năm qua. Thủ tướng Suga khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; bày tỏ ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ tin tưởng quan hệ giữa hai đảng cầm quyền của hai nước tiếp tục phát triển hơn nữa trong giai đoạn mới trên cơ sở Bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai Đảng, tạo nền tảng chính trị tốt đẹp cho phát triển quan hệ hai nước trên các lĩnh vực khác.
Tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Suga Yoshihide, hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng trước sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thời gian qua cũng như việc hỗ trợ, hợp tác trong phòng chống dịch Covid-19. Hai bên nhất trí về phương hướng và các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu những đề xuất cụ thể về thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có tăng cường kết nối hai nền kinh tế, hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số, phát triển công nghệ thông tin…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Nhật Bản khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam; khẳng định đã chuẩn bị điều kiện cần thiết và cải thiện môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật Bản có thể đầu tư, kinh doanh thành công; đề nghị Nhật Bản tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam trong thời gian tới.
Thủ tướng Suga nhấn mạnh hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam thể hiện qua việc chọn Việt Nam là nước đầu tiên đến thăm sau khi nhậm chức và phát biểu về chính sách với ASEAN. Thủ tướng Suga đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thành công dịch Covid-19; đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 ngay cả khi thế giới gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội, cá nhân Thủ tướng Suga sẽ quan tâm chỉ đạo để thúc đẩy trao đổi, hợp tác về các nội dung mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề xuất.
Thủ tướng Suga đánh giá cao tiềm năng môi trường đầu tư của Việt Nam, khẳng định tiếp tục thúc đẩy chính sách hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng và cho biết Nhật Bản đang hỗ trợ kỹ thuật, vật tư, thiết bị máy móc y tế trị giá khoảng 4 tỷ yên và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong phòng chống Covid-19, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.
Hai bên nhất trí áp dụng quy chế đi lại ưu tiên giữa hai nước, sớm nối lại đường bay thương mại, tạo điều kiện quan trọng đẩy mạnh khôi phục các hoạt động hợp tác giữa hai nước; thúc đẩy sớm ký kết Tầm nhìn trung và dài hạn hợp tác nông nghiệp giai đoạn tiếp theo, cam kết sớm mở cửa thị trường cho mặt hàng nhãn tươi của Việt Nam và quýt Ưn-siu của Nhật Bản; tăng số lượng và lĩnh vực tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản.
Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật tại Biển Đông, nhất là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 trong các hoạt động trên biển.
Sau hội đàm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Suga Yoshihide đã chứng kiến lễ trao đổi 12 văn kiện ký kết giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước với tổng trị giá gần 4 tỷ USD.
Nhật Bản hỗ trợ khẩn cấp Việt Nam khắc phục hậu quả thiên tai Phát biểu trước báo giới sau khi hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Suga Yoshihide cho biết: “Tôi chọn Việt Nam vì Việt Nam là địa điểm thích hợp nhất để tôi gửi thông điệp này lần đầu tiên ra thế giới”. Cam kết “nắm chặt tay với ngài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc”, Thủ tướng Suga Yoshihide nhấn mạnh, Việt Nam là đối tác quan trọng của Nhật Bản và đóng vai trò trọng yếu khi Nhật Bản tiến hành chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Thủ tướng Suga Yoshihide thông báo, Nhật Bản quyết định cung cấp vật tư (gồm 50 máy lọc nước và 250 tấm trải nhựa trị giá 19 triệu yên) hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra ở miền Trung Việt Nam. Chiều 19-10, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung thừa ủy quyền của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao tặng Huân chương Hữu nghị của Nhà nước CHXHCN Việt Nam cho ngài Iijima Isao, Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản. |
Mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư mạnh vào Việt NamÔng Hirai Shinji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại TPHCM, nhận định: Chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản của ông Suga Yoshihide kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư mạnh vào Việt Nam. Khảo sát gần đây của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản về kế hoạch mở rộng đầu tư quốc tế của các công ty Nhật Bản hiện có cơ sở ở nước ngoài cho thấy, tỷ lệ lựa chọn Trung Quốc là 48,1% (mức giảm đáng kể so với năm trước là 55,4%). Việt Nam đứng thứ 2 với 41%. Điều này cho thấy, trong cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, điểm đến Việt Nam đang có sự quan tâm khá lớn. Về tái cấu trúc chuỗi cung ứng trong thời điểm hiện tại, trong số tất cả các công ty tham gia khảo sát, tổng cộng 170 nguồn cung ứng đã được chuyển đổi (bao gồm chuyển đổi một phần và có kế hoạch chuyển đổi) trước tác động của bảo hộ thương mại. Về nguồn cung sau khi chuyển đổi, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời lựa chọn Việt Nam là 24,1%, cao hơn cả Thái Lan là 13,5%. Một vấn đề đáng quan tâm khác là hiện nhiều doanh nghiệp đã đầu tư tại Việt Nam đang thực hiện chính sách “Việt Nam + Việt Nam”. Theo đó, các doanh nghiệp Nhật bản đã đầu tư tại TPHCM, Hà Nội đang chủ động tìm kiếm cơ hội đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất tại nhiều tỉnh thành khác như Vĩnh Long, Đồng Tháp… Đánh giá từ các doanh nghiệp Nhật Bản, năng lực cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp Việt đã tăng nhanh chóng từ năm 2010 đến nay. Các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động chuyển đổi nhanh công nghệ, dây chuyền sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Môi trường đầu tư cũng như chính sách thu hút doanh nghiệp nước ngoài đã được các địa phương triển khai tích cực. Những bất cập về hệ thống pháp luật, thiếu nhân công, thiếu cụm công nghiệp chuyên ngành, thủ tục hành chính và thuế phức tạp… đã được khắc phục hiệu quả. Vấn đề còn lại là Chính phủ Việt Nam cần cải thiện hạ tầng giao thông. Đây là yếu tố then chốt để tăng khả năng kết nối và cung ứng hàng hóa giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp Nhật Bản. ÁI VẤN ghi |
Sự kiện được truyền thông quốc tế quan tâmTheo hãng Kyodo, ngày 19-10, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức tới Việt Nam, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xoay quanh nhiều vấn đề, trong đó có hợp tác kinh tế. Hãng tin trên dẫn lời một số quan chức Nhật Bản cho hay, Nhật Bản đang nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu nguy cơ do đại dịch Covid-19 gây ra. Chính phủ Nhật Bản đã thúc đẩy các gói hỗ trợ doanh nghiệp nước này nhằm chuyển dịch hoạt động sản xuất đến khu vực Đông Nam Á. Nhật báo Nikkei của Nhật Bản cho rằng Thủ tướng Nhật Bản đang tìm cách mở rộng trợ cấp cho các công ty Nhật Bản đa dạng hóa chuỗi cung ứng để giúp các doanh nghiệp giảm bớt sự tập trung sản xuất ở Trung Quốc. Việt Nam, đối tác thương mại lớn thứ 7 của Nhật Bản, có thể là một trong những đối tượng hưởng lợi chính của động thái này. Hãng tin Reuters cùng ngày cũng đưa tin, Nhật Bản và Việt Nam đã nhất trí tăng cường quan hệ an ninh và kinh tế. Reuters dẫn lời ông Suga nói: “Việt Nam, với tư cách là chủ tịch ASEAN trong năm nay, là chìa khóa để hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. KHÁNH MINH |