Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TX Thuận An, về kế hoạch đưa địa phương trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, cùng các giải pháp trọng tâm phát triển đô thị này trong thời gian tới.
- PHÓNG VIÊN: Xin ông thông tin đôi nét về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TX Thuận An trong năm 2019?
- Ông NGUYỄN THANH TÂM: Trong năm 2019, chúng tôi đã bố trí 264,823 tỷ đồng để triển khai xây dựng 60 dự án, trong đó chủ yếu là các công trình giáo dục, giao thông đô thị, như xây dựng khối hiệu bộ Trường Mẫu giáo Hoa Cúc 4, mở rộng khu di tích lịch sử văn hóa chiến khu Thuận An Hòa, chỉnh trang cải tạo đường rạch Cầu Đình, đường AT 37…
Đặc biệt, TX cũng đã bố trí vốn để triển khai thi công hàng loạt tuyến đường nhằm chỉnh trang đô thị, nhất là các công trình gần khu vực đông dân cư và các công trình dân sinh khác như: nâng cấp, mở rộng đường Thuận Giao 25; các dự án khu tái định cư Bình Hòa, An Thạnh, Hưng Định; xây dựng đường Lái Thiêu PKV-21A (đường dẫn vào khu Trung tâm Văn hóa thể dục thể thao)…
- Cơ sở nào để lãnh đạo TX lập đề án thành lập thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2020?
- Trước hết phải thấy rằng, với tốc độ phát triển kinh tế, cơ cấu kinh tế đã chuyển đổi nhanh theo hướng tăng tỷ trọng các ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp; giảm mạnh tỷ trọng các ngành sản xuất nông nghiệp và thực hiện di dời các nhà máy sản xuất gây ô nhiễm môi trường tới các KCN… Với “bức tranh” đó, TX Thuận An hiện đang mang một chiếc áo chật chội so với tiềm năng phát triển và cơ hội bứt phá.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho Thuận An phát triển trở thành đô thị công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - du lịch vào năm 2020, là đầu mối giao thông đường bộ và một phần đường thủy của khu vực phía Nam tỉnh Bình Dương và phía Bắc TPHCM, là trung tâm thương mại - tài chính, dịch vụ cao cấp mang tầm khu vực, nằm trong bán kính 30km của vùng TPHCM, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt quy hoạch chung đô thị Bình Dương theo tinh thần quyết định trên.
Theo đó, đã xác định mục tiêu xây dựng TX Thuận An trở thành thành phố thuộc tỉnh Bình Dương và thành đô thị loại II vào năm 2020 tại Quyết định số 1701/QĐ-UBND ngày 26-6-2012.
Thuận An khi được công nhận là thành phố thì sẽ có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội, lưu thông hàng hóa, nâng cao đời sống người dân; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục được đầu tư phát triển theo hướng văn minh hiện đại.
- Các nhiệm vụ trọng tâm khi Thuận An trở thành thành phố là gì, thưa ông?
- Chúng tôi đề ra các nhóm nhiệm vụ để thực hiện khẩn trương khi Thuận An được công nhận là thành phố: Tiếp tục triển khai những giải pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời tập trung các nguồn lực, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng và bảo vệ môi trường.
Chúng tôi cũng lấy cải cách hành chính làm lĩnh vực trọng tâm để thực hiện đột phá, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy chính quyền địa phương, phục vụ người dân tốt hơn. Bên cạnh đó là quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Các công trình cải tạo, mở rộng đường giao thông trong khu dân cư, quốc lộ 13 đoạn chạy qua địa bàn TX cũng sẽ được thực hiện khẩn trương. Trong năm 2019, UBND TX Thuận An tập trung nguồn lực đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đột phá về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các tuyến giao thông kết nối vào các khu vực tập trung đô thị và KCN trên địa bàn.
Đồng thời phát triển hạ tầng giao thông nông thôn như các công trình: đường ĐT 743, 743B; trục thoát nước Bưng Biệp - Suối Cát, Chòm Sao - Suối Đờn và các công trình trường học, nhà thi đấu thể dục thể thao đa năng…