Tạo sự khác biệt cho sản phẩm
Đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ rằng, ngành dệt may Việt Nam sau 20 năm đổi mới đã phát triển ngày càng mạnh mẽ và đạt nhiều cột mốc cao trong xuất khẩu, với giá trị đạt trên 36 tỷ USD trong năm 2018. Dù vậy, ở nội địa, ngành lại khá chật vật khi tìm chỗ đứng, do phải cạnh tranh khốc liệt với sự đổ bộ của các thương hiệu lớn nước ngoài.
Muốn phát triển được như hiện tại, các doanh nghiệp trong ngành đã phải quyết liệt tập trung vào tăng cường thiết kế và đưa ra mẫu mã phù hợp với người Việt. Thực hiện việc liên kết phân công giữa các doanh nghiệp để mỗi đơn vị sản xuất một chủng loại hàng, tránh việc tràn lan dẫn đến khó khăn về quy mô.
Từ đó giúp doanh nghiệp có cách tiếp cận chuyên sâu hơn cho thị trường ngách, giúp tăng trưởng tại thị trường nội địa liên tục trong 10 năm qua ở mức 10%.
Các thống kê của Vinatex cho thấy, ở thời điểm hiện tại, hàng dệt may Việt Nam đang chiếm 70% trong các kênh phân phối, đại lý thuộc các trung tâm đô thị, thành phố lớn. Riêng với sản phẩm may mặc ở phân khúc đồng phục, thị phần của doanh nghiệp Việt ở mức xấp xỉ 100%.
Theo đó, nếu so sánh với 10 năm trước đây thì ở thời điểm này, hàng thời trang Việt đã có những tên tuổi được người tiêu dùng biết đến và chọn lựa. Có thể kể đến những cái tên đình đám như Canifa, NEM, Việt Tiến, Đức Giang…
Sản phẩm của các doanh nghiệp này hiện không chỉ được đánh giá cao về thiết kế, chất lượng vải, mà giá cả cũng phù hợp ở nhiều phân khúc khác nhau.
Để có được kết quả này, các doanh nghiệp thời trang đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức để thực hiện những khảo sát về thị hiếu, thói quen của người tiêu dùng, từ đó định vị được hướng phát triển phù hợp.
Một doanh nghiệp chia sẻ rằng, khó khăn lớn nhất với họ không phải là việc chạy theo xu hướng thời trang hay phong cách mới mà là bài toán về tối ưu hóa chuỗi cung ứng cũng như dòng tiền.
Để tồn tại được, các thương hiệu luôn cần tung ra các mẫu mã mới. Mỗi khi bán được một bộ sưu tập, doanh nghiệp phải ngay lập tức tái đầu tư vào bộ sưu tập mới hơn.
Như chia sẻ từ đại diện của nhãn hàng thời trang Canifa, muốn có chỗ đứng trong mắt người tiêu dùng, nhà sản xuất không thể bắt chước mẫu của thời trang quốc tế mà phải tạo được sự khác biệt. Cái khác biệt mà thương hiệu này đã làm được trong thời gian qua chính là chọn mức giá phù hợp với số đông và sản phẩm có độ bền cao mà vẫn bắt kịp xu hướng thời trang.
Chiến lược này phù hợp với hoàn cảnh, thu nhập của phần đông người tiêu dùng Việt Nam còn khiêm tốn và nhu cầu khác biệt trong trang phục chưa quá lớn.
Hay với Việt Tiến, đang từng bước thay đổi để bắt kịp xu hướng thị trường khi điều chỉnh các dòng sản phẩm, từ chỗ chỉ có thời trang nam công sở thì nay có thêm dòng sản phẩm dành cho môi trường du lịch, dạo phố, thể thao, mặc ở nhà… và hướng tới đối tượng khách hàng trẻ hơn. Mục tiêu của doanh nghiệp này là đạt mức tăng trưởng hàng năm trên 20% ở thị trường nội địa.
Chú trọng phục vụ người tiêu dùng Việt
Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex, thành công của các doanh nghiệp dệt may ngoài sự chủ động còn có tác động tích cực từ nhiều yếu tố, như cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được thực hiện suốt 10 năm qua đã tạo tâm lý tích cực cho người tiêu dùng ưu tiên tìm kiếm hàng Việt để sử dụng.
Cùng với đó là sự phát triển nhanh của hệ thống phân phối trong nước, đã giúp hàng Việt tăng độ phủ ở nhiều tỉnh, thành và các vùng sâu vùng xa. Ngoài ra, GDP cả nước đang ngày càng cao làm thu nhập của người dân tăng lên, từ đó tăng sức cầu tiêu dùng cho sản phẩm dệt may.
Mặc dù vậy, ngành dệt may cũng nhìn nhận rằng, ngành phải có bước phát triển hơn trong thời gian tới để người tiêu dùng chủ động lựa chọn hàng Việt thay vì phải “ưu tiên” sử dụng như trước đây.
Để làm được thì doanh nghiệp phải có sự cải tiến và mang đến hàng hóa có giá trị, có lợi thế hơn so với các sản phẩm của thương hiệu ngoại.
Trong chiến lược phát triển sắp tới, Vinatex cho biết ngành may sẽ xây dựng thời trang mang bản sắc Việt hiện đại, có giá trị sử dụng cao để sản phẩm đi sâu vào nhân trắc học của người Việt.
Việc làm này được thể hiện qua sự thiết kế các sản phẩm thời trang riêng theo số đo của người Việt. Bên cạnh đó, ngành sẽ tập trung hơn vào mở rộng kênh phân phối tiêu thụ; thay vì chỉ tập trung ở các đô thị, thành phố lớn thì sẽ lan tỏa về nông thôn.
Với chiến lược hướng về nông thôn, ngành sẽ thiết kế những sản phẩm có mức giá phù hợp và mẫu mã đủ sức cạnh tranh ở phân khúc này.