Thông tin được nêu từ cuộc họp cho thấy, GDP quý 2-2022 tăng 7,72% (tốc độ cao nhất trong 11 năm qua), góp phần quan trọng vào mức tăng 6,42% của 6 tháng đầu năm. Đến thời điểm này, chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; giá xăng dầu trong nước được đưa về mức trước khi xảy ra xung đột tại Ukraine; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 432 tỷ USD. Hiện nay, Việt Nam đang triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 340.000 tỷ đồng (khoảng 4% GDP), tập trung vào y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng… Tuy nhiên, Chính phủ xác định, tình hình thời gian tới tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, do đó tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Sau khi nghe báo cáo đề dẫn của Bộ KH-ĐT, các đại biểu đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách với Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề trước mắt và lâu dài, trong đó phải luôn sẵn sàng cho tình huống dịch Covid-19 có thể quay trở lại. Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng, thách thức hiện nay của Việt Nam là bảo đảm cân bằng giữa phục hồi kinh tế và kiểm soát lạm phát. Bà bày tỏ kỳ vọng Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 7%, lạm phát khoảng 3,8% trong năm 2022 và tin rằng nền kinh tế Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển. Theo bà Dorsati Madani, việc thúc đẩy các gói hỗ trợ kinh tế, triển khai các dự án đầu tư công là rất phù hợp với kinh tế số, phát triển xanh, hướng tới mô hình phát triển mới bền vững hơn và mục tiêu trở thành đất nước phát triển trong vài chục năm tới.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Trần Đình Thiên, Nguyễn Đình Cung tán thành với quan điểm của Chính phủ về ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa hơn là chính sách tiền tệ, như việc sử dụng 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất. Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cũng thống nhất đánh giá lạm phát tại Việt Nam chủ yếu là do chi phí đẩy, trong đó nguyên nhân chính là giá xăng dầu từ tác động trên thế giới. Vì thế, cần kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng liên quan tới giá xăng dầu.
Phát biểu tại buổi thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ luôn cầu thị lắng nghe các ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, các tổ chức quốc tế để chủ động phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, khoa học, hiệu quả, với tinh thần “một chính sách nhỏ cũng có thể tạo tác động, hiệu quả lớn”. Thủ tướng cho biết, đã giao Bộ KH-ĐT nghiên cứu chuyên đề về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quan điểm định hướng chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian tới là tuyệt đối không được chủ quan, luôn nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế và trong nước. Đồng thời, tăng cường năng lực phân tích, dự báo và kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các công cụ chính sách để thực hiện ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng chí cũng yêu cầu củng cố và phát triển thị trường vốn, thị trường bất động sản một cách an toàn, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững. Đây là một mục tiêu ưu tiên vừa mang tính cấp bách, vừa mang tầm chiến lược và cũng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian còn lại của năm 2022 và những năm tiếp theo.