Tiếp cận nguồn vốn thuận lợi
Hơn 1 năm trước, UBND TPHCM đã ban hành các danh mục sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp TP gồm: rau, hoa - cây kiểng, giống bò sữa, giống heo, tôm nước lợ, cá cảnh. Để phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, các sở ngành tham mưu triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản; nâng cao khả năng kiểm soát chất lượng và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Nhằm khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP, UBND TPHCM đã có quyết định số 655/QĐ-UBND hỗ trợ từ 60% - 100% lãi suất vay. Theo Sở NN-PTNT TPHCM, trong 9 tháng đầu năm 2019, đối với sản phẩm chủ lực đã có 373 lượt vay, chiếm 80% so với tổng lượt vay toàn ngành; vốn đầu tư 459.299 triệu đồng chiếm 65% so với tổng vốn đầu tư toàn ngành.
Về quy mô, rau chiếm chiếm tỷ trọng 7,3% so với ngành; hoa, cây kiểng chiếm tỷ trọng 5%, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị; bò sữa chiếm tỷ trọng 18% do nhu cầu thị trường cao, có điều kiện phát triển theo chiều sâu; đàn heo chiếm tỷ trọng 17,1% so với ngành, có tiềm năng phát triển, nhất là nhập tinh và nhập heo giống; tôm nước lợ chiếm tỷ trọng 10,8%; cá cảnh 2,9%, đang có thị trường tiềm năng, kể cả xuất khẩu. Trong giai đoạn tiếp theo, Sở NN-PTNT tham mưu UBND TPHCM điều chỉnh, bổ sung chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; trong đó, đề xuất tăng mức hỗ trợ cho 6 nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp từ 60%, 80% lên mức hỗ trợ 100% lãi vay.
Trong thời gian tới, Sở NN-PTNT tiếp tục phối hợp với các sở ngành, UBND các huyện tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, các hộ gia đình đầu tư sản xuất vào nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp được nhanh chóng tiếp cận, hỗ trợ vay vốn. Thúc đẩy tăng năng suất lao động trên cơ sở khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường chuyển giao nông nghiệp công nghệ cao với các chính sách hỗ trợ phù hợp. Cùng với đó, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, đề xuất đầu tư thêm một khu nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng, triển khai các giải pháp giới thiệu, quảng bá tiếp thị trên website, logo nhãn hiệu, các hội chợ triển lãm, sự kiện kết nối sản xuất tiêu thụ sản phẩm.
Cùng liên kết
Với mạng lưới doanh nghiệp, ngân hàng, nhà đầu tư tài chính, trường học, viện nghiên cứu chiếm số lượng lớn, quy mô đa dạng và trình độ phát triển khá; tuy nhiên, các đơn vị kết nối chưa thực sự chặt chẽ. Từ đó, Sở NN-PTNT TPHCM đề nghị cần xác định những khó khăn trong hợp tác liên kết giữa các bên và đề xuất cơ chế chính sách; phân tích nhu cầu về phát triển, chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp, để từ đó định hướng phát triển các sản phẩm chiến lược của doanh nghiệp; nhận định năng lực nghiên cứu của các tổ chức khoa học công nghệ, trường, viện nghiên cứu, cùng các kết quả có thể chuyển giao cho doanh nghiệp.
Ưu điểm của các trường, nhà khoa học là tiếp cận công nghệ mới nhanh, còn đối với doanh nghiệp tiếp cận chậm hơn. Ông Lê Quang Vinh, Trưởng ban Khoa học Công nghệ (ĐH Quốc gia TPHCM), đề nghị tiếp tục học hỏi mô hình các nước trên thế giới là chọn sản phẩm khoa học công nghệ, xây dựng chiến lược… Trường, trung tâm vườn ươm là nơi chuyển giao công nghệ xuất phát từ nhu cầu thị trường và năng lực công nghệ. Đặc biệt, mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp phải được xem là mối kiên kết bình đẳng hai bên cùng có lợi chứ không phải liên kết chỉ có sự hỗ trợ một chiều. Trong đó, chuyển giao công nghệ và phát triển các vườn ươm hỗ trợ khởi nghiệp được coi như là “nhiệm vụ thứ ba” của các trường đại học.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lãi suất, nguồn nhiêu liệu đầu vào, địa điểm đầu tư... nên một số doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại; doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu kinh nghiệm, chuyên môn trong việc lập dự án và không có tài sản thế chấp…
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TPHCM, cho hay hiện ngân hàng có 3 chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đang tổ chức hiệu quả là Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng hình thức giảm lãi suất cho doanh nghiệp vay, tăng mức tín dụng, cơ cấu lại kỳ hạn nợ trả nợ; Chương trình cho vay bình ổn thị trường với với mức lãi suất thực trả hợp lý, đồng thời hỗ trợ cả về mặt thị trường tiêu thụ, thông qua việc đưa hàng hóa vào mạng lưới các siêu thị của thành phố; Chương trình cho vay phát triển nông nghiệp - nông thôn nhằm gắn kết chính sách tiền tệ - tín dụng theo cơ chế thị trường với chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Nhà nước.
Ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, nhận xét sản phẩm chủ lực đang có khó khăn nhất định như tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, ứng dụng công nghệ cao không nhiều, liên kết chưa bền vững và gây ô nhiễm môi trường. Muốn đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp chủ lực cần phải liên kết 4 nhà là điều cần thiết để hỗ trợ thúc đẩy phát triển toàn ngành.