Phát triển sản phẩm ICT thương hiệu Việt

Bộ TT-TT vừa tổ chức Hội thảo định hướng chính sách chương trình phát triển công nghiệp ICT (Công nghệ thông tin - viễn thông) giai đoạn 2021-2030, nhằm xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý 1-2020.
Dùng thử các ứng dụng trên di động 5G tại TPHCM
Dùng thử các ứng dụng trên di động 5G tại TPHCM

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm cho biết, những năm gần đây, công nghiệp ICT là ngành kinh tế quan trọng, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng cao. Trong giai đoạn 5 năm 2014-2019, ngành công nghiệp CNTT có doanh thu ước tính đạt 110 tỷ USD, hình thành đội ngũ lao động công nghệ số với hơn một triệu người. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, ngành công nghiệp CNTT cũng đã bộc lộ một số vấn đề, cụ thể như: tăng trưởng doanh thu đã chững lại, năm 2019 tăng trưởng giảm xuống còn 9,8%; ngành công nghiệp ICT vẫn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp (DN) FDI. Trong đó, các DN FDI chiếm hơn 90% doanh thu xuất khẩu công nghiệp CNTT. Các DN nội địa chủ yếu tham gia vào khâu có giá trị gia tăng chưa cao như lắp ráp phần cứng, gia công phần mềm. Chưa có nhiều sản phẩm đặc sắc mang thương hiệu Việt. 

Tại hội thảo, đại diện Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Bắc Ninh kiến nghị 3 nội dung để phát triển công nghiệp ICT: Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm phát triển cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất điện tử; Tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp và thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển công nghiệp phụ trợ công nghiệp điện tử.

Theo Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINISA), phải đẩy mạnh số lượng DN nhỏ và vừa, xem startup là động lực phát triển của ngành công nghiệp ICT. Cần đặc biệt tập trung cho đào tạo, đào tạo cho cả người sử dụng, doanh nghiệp, các cơ quan khác nhau; bổ sung thêm đào tạo trực tuyến, xây dựng chương trình xúc tiến cụ thể. Nhiều ý kiến cho rằng, trong phát triển DN công nghiệp ICT, điều quan trọng nhất là cần cơ chế và môi trường. Bộ TT-TT có thể phối hợp liên ngành xây dựng các chính sách riêng cho từng mảng công nghiệp trực thuộc như phần mềm, phần cứng, điện tử, nội dung số và có thể phối hợp liên ngành để có những chính sách phát triển ngành thực tiễn, bởi mỗi mảng công nghiệp ICT lại có yêu cầu, đặc thù riêng.

Ngoài 3 thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng, đã có thêm 5 tỉnh, thành phố tham gia vào nhóm địa phương có doanh thu công nghiệp ICT trên 1 tỷ USD, là Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Phòng. 8 địa phương có số lượng DN ICT trên 1.000 là: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Đồng Nai, Tây Ninh, Thừa Thiên - Huế và Lạng Sơn; 15 địa phương có số lượng lao động CNTT trên 10.000 người.

Tin cùng chuyên mục