Phát triển quỹ đầu tư mạo hiểm: Trợ vốn cho khởi nghiệp sáng tạo

Khởi nghiệp sáng tạo thường có rủi ro cao, khả năng thành công thấp. Muốn thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cần tạo điều kiện giúp doanh nghiệp (DN) thuận lợi trong việc gia nhập thị trường và trợ vốn đầu tư công nghệ, tổ chức sản xuất.

Đồng hành ngay từ đầu

DN khởi nghiệp rất khó tiếp cận nguồn tín dụng vì chưa chứng minh được hiệu quả hoạt động trong thực tiễn, cũng như chưa có tài sản thế chấp, không đủ các điều kiện phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Bên cạnh đó, DN khởi nghiệp rất khó kêu gọi vốn từ các quỹ đầu tư thông thường, bởi các quỹ này thường quan tâm đầu tư vào các DN đã có mô hình kinh doanh hiệu quả trong thực tế.

Nhiều ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo chưa được hiện thực hóa bởi không huy động được vốn, nên rất cần các quỹ đầu tư mạo hiểm để trợ vốn. Quỹ đầu tư mạo hiểm (với một trong những tôn chỉ là đầu tư cho DN khởi nghiệp, ngay cả khi họ chưa chứng minh được thành công trong thực tiễn), nên quỹ có thể đồng hành cùng DN khởi nghiệp ngay từ đầu.

Công ty cổ phần TitKul với giải pháp quản lý trường học thông minh ứng dụng AI - IOT. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Công ty cổ phần TitKul với giải pháp quản lý trường học thông minh ứng dụng AI - IOT. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Có quỹ đầu tư mạo hiểm, sẽ có nhiều ý tưởng đầu tư sáng tạo và táo bạo của các nhà đầu tư trẻ. Càng sáng tạo, rủi ro càng cao nên khi có quỹ đầu tư mạo hiểm thì các ý tưởng sáng tạo mới có cơ hội thử sai; mạo hiểm để kỳ vọng lợi nhuận cao trong tương lai. Chỉ cần vài ý tưởng thành công thì lợi nhuận có thể bù đắp cho dự án thất bại.

Huy động nguồn vốn xã hội

Để thúc đẩy thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, cần quan tâm đến hai yếu tố: sứ mệnh, cơ chế hoạt động và khuyến kích hình thành. Sứ mệnh của các quỹ đầu tư mạo hiểm nhằm giúp cho các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo có vốn để mạnh dạn thực hiện các ý tưởng đầu tư.

Quỹ đầu tư mạo hiểm là một tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, nên người quản lý quỹ sẽ có kiến thức và năng lực tham vấn hoạch định chiến lược kinh doanh cho các ý tưởng khởi nghiệp. Bên cạnh đó, nhờ vào mạng lưới đầu tư rộng nên quỹ có khả năng kết nối nguồn lực cho các ý tưởng kinh doanh mới dễ thành công hơn. Không thể hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm từ nguồn vốn ngân sách, bởi vốn ngân sách không thể sử dụng cho mục đích mạo hiểm. Nguồn vốn của quỹ đầu tư mạo hiểm nên huy động chủ yếu từ các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.

Có thể hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm theo những ngành Việt Nam có lợi thế, chẳng hạn như quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, logistics. Khuyến khích nhiều loại hình hoạt động quỹ đầu tư mạo hiểm khác nhau như: loại hình hợp danh hữu hạn; tín thác; công ty trách nhiệm hữu hạn; công ty cổ phần; và các cách thức vận hành quỹ của các doanh nghiệp.

Cần có hành lang pháp lý

Hiện nay, hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư mạo hiểm chưa có quy định rõ ràng liên quan đến cơ chế quản lý, khuyến khích và hỗ trợ phát triển. Trong các luật về đầu tư, tín dụng, DN không có quy định về quỹ đầu tư mạo hiểm.

Các luật về thuế, lãi suất vẫn chưa có sự khác biệt giữa hoạt động đầu tư mạo hiểm với DN thông thường. Hoạt động đầu tư mạo hiểm rủi ro cao và tỷ lệ thành công thấp hơn nên cần được ưu đãi hơn. Việc thiếu những quy định có tính hỗ trợ như vậy sẽ khiến quỹ trong nước ngại hoạt động, thị trường vốn Việt Nam không hấp dẫn các quỹ đầu tư quốc tế.

Ngoài ra, khả năng tiếp cận các quỹ đầu tư mạo hiểm của DN Việt Nam chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm chưa phổ biến. Mặt khác, các nhà khởi nghiệp chưa biết cách trình bày ý tưởng kinh doanh nên khó thuyết phục được các quỹ đầu tư vốn. Đồng thời, các ngân hàng thương mại chưa kết nối được DN có ý tưởng sáng tạo với các quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong khi đó, ngân hàng thương mại có thể hỗ trợ các quỹ đầu tư mạo hiểm trong việc theo dõi, đánh giá việc sử dụng vốn của các DN.

Để thúc đẩy hình thành và phát triển quỹ đầu tư mạo hiểm nhằm trợ vốn cho hoạt động đổi mới sáng tạo, cần xây dựng một cơ sở pháp lý hoàn thiện, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận tài chính của quỹ đầu tư mạo hiểm; ban hành các văn bản hướng dẫn tập trung và thống nhất cho hoạt động này, từ điều kiện thành lập, điều lệ hoạt động, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan và mô hình quản lý hoạt động của quỹ.

Mặt khác, quy định và hướng dẫn thực hiện dành riêng cho hệ thống các ngân hàng thương mại với vai trò là trung gian tài chính của quỹ đầu tư mạo hiểm và ý tưởng đổi mới sáng tạo cũng cần được xem xét. Nguồn lực từ phía các ngân hàng thương mại là rõ ràng, bởi các tổ chức tài chính này nắm rõ tình hình thị trường, dự đoán được các xu hướng phát triển và là một trong những bộ phận tích cực nhất trong việc áp dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Những kinh nghiệm trong quản lý hoạt động của các ngân hàng thương mại như một tổ chức tài chính sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ban hành những quy định về quản lý hoạt động của quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam.

Cuối cùng, các DN có dự án đổi mới sáng tạo cần trang bị tốt kiến thức về quản lý tài chính, thu hút và huy động vốn, quản trị nguồn vốn để sẵn sàng tiếp nhận nguồn vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm. Hơn nữa, DN cần biết cách xây dựng chiến lược kinh doanh cho ý tưởng đổi mới sáng tạo khả thi để thuyết phục được các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Ngoài ra, cần ban hành các chính sách ưu đãi riêng cho hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Đặc trưng của hoạt động đầu tư mạo hiểm thường tiềm ẩn nhiều rủi ro và có tỷ lệ thành công thấp. Vì thế, Chính phủ cần khuyến khích phát triển hình thức đầu tư này thông qua các chính sách ưu đãi rõ ràng về thuế hay lãi suất. Việc hỗ trợ và khuyến khích được xem là công cụ gián tiếp thúc đẩy hoạt động của quỹ đầu tư mạo hiểm với đổi mới sáng tạo.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, 76% người Việt muốn khởi nghiệp “để được độc lập trong kinh doanh và tự chủ trong công việc kinh doanh của mình”… Thế nhưng, chỉ có khoảng 10% trong số đó được gọi là thành công.

Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ thành công của DN khởi nghiệp thấp, trong đó hạn chế về vốn và cơ chế chính sách liên quan đến huy động vốn. Các dự án khởi nghiệp thường được bắt đầu bằng nguồn vốn tự có hạn hẹp của các thành viên sáng lập, trong khi khả năng vay vốn ngân hàng hoặc kêu gọi các quỹ đầu tư lại rất thấp.

Tin cùng chuyên mục