Phát triển Quảng Trị thành trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa khu vực Đông Nam Á

Chiều 6-7, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức “Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Phó Thủ tướng Lê Thành Long dự và phát biểu.

Mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, tỉnh Quảng Trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, có cơ cấu kinh tế cơ bản là một tỉnh công nghiệp - dịch vụ; là một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á.

Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp - dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ; quốc phòng an ninh được bảo đảm, nhân dân có cuộc sống hạnh phúc.

Tại hội nghị, UBND tỉnh Quảng Trị giới thiệu, quảng bá hình ảnh của tỉnh, các tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi, định hướng phát triển của tỉnh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tổ chức trao Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư và chấp nhận nhà đầu tư; Giấy chứng nhận đầu tư; Văn bản chấp thuận nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất chủ trương đầu tư….

Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, ngay sau hội nghị này, UBND tỉnh sẽ khẩn trương hoàn thiện kế hoạch, xây dựng lộ trình cụ thể để triển khai các nhiệm vụ, định hướng và ý tưởng quy hoạch; trong đó sẽ tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp mang tầm chiến lược và đột phá để hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch đã xác định. Chú trọng ưu tiên các nguồn lực để triển khai đồng bộ các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành theo đúng quy định pháp luật, phù hợp với quy hoạch tỉnh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của quy hoạch đến toàn thể cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong quá trình tổ chức thực hiện.

“Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cam kết sẽ luôn cầu thị, lắng nghe; sẵn sàng hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư và mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp chung sức, đồng lòng cùng với tỉnh để sớm triển khai thực hiện các công trình, dự án đã được quy hoạch trên tinh thần hợp tác chân thành, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, cùng đồng hành để vượt qua khó khăn, thử thách; cùng chia sẻ và hài hòa lợi ích lẫn rủi ro”, ông Hưng khẳng định.

IMG_20240706_151401.jpg
Phó Thủ tướng Lê Thành Long trao Quyết định Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phát biểu tại lễ công bố quy hoạch, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, để triển khai hoàn thành mục tiêu Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Quảng Trị cần khẩn trương triển khai quy hoạch với chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, tiến hành phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan; tổ chức thực hiện bài bản, hiệu quả những nhiệm vụ đã đề ra trong Quy hoạch; đó là 4 khâu đột phá; 8 ngành trọng điểm; phát triển theo 4 vùng, 6 hành lang kinh tế (như trong Quy hoạch đã xác định).

Lưu ý 5 bảo đảm trong triển khai quy hoạch: Bảo đảm tính tuân thủ của quy hoạch; Bảo đảm tính đồng bộ của quy hoạch; Bảo đảm tính liên kết của quy hoạch; Bảo đảm tính mở rộng của quy hoạch; Bảo đảm tính kế thừa của quy hoạch.

Cần quan tâm đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ; đặc biệt hạ tầng giao thông kết nối, tạo không gian phát triển mới đặc biệt là đầu tư hoàn thành Cảng Hàng không Quảng Trị và Cảng nước sâu Mỹ Thủy. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu; phát triển hệ thống đô thị, nghiên cứu mở rộng không gian phát triển Khu Kinh tế Đông Nam, gắn kết với các khu vực thuận lợi phát triển dọc hành lang đường bộ cao tốc Bắc - Nam và dọc quốc lộ 15D. Xây dựng Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo thành trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch tổng hợp, hướng tới hình thành Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Việt Nam) - Đensavằn (Lào).

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh các ngành, lĩnh vực có thế mạnh, tiềm năng trên nền tảng chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị hàm lượng tri thức, khai thác hiệu quả lợi thế so sánh, nhất là kinh tế biển, du lịch, kinh tế tuần hoàn, sáng tạo và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, quan tâm bảo vệ môi trường, phục hồi sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, vừa tôn tạo vừa khai thác phát huy các giá trị sinh thái đặc thù, phục vụ phát triển kinh tế và nâng cao giá trị và chất lượng môi trường sống của người dân ở đô thị cũng như nông thôn.

Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; cải thiện và nâng cao các chỉ số như PAPI, PCI... Trong bối cảnh các tỉnh đều xúc tiến, thu hút mạnh mẽ đầu tư thì Quảng Trị cần đặc biệt coi cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lắng nghe, chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Tiếp tục coi trọng và tập trung xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức và năng lực thực tiễn công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu để triển khai thật tốt các nhiệm vụ đã đề ra trong quy hoạch.

Cùng với đó, Quảng Trị cần tập trung đầu tư cho giáo dục và đào tạo; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nghề; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với định hướng phát triển của tỉnh và những ngành, nghề mà tỉnh đang ưu tiên như:

Về công nghiệp, phát triển năng lượng điện gió tại vùng ven biển, đảo Cồn Cỏ và các vùng tiềm năng; các cơ sở công nghiệp khí, điện khí tại Khu Kinh tế Đông Nam; xây dựng các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, kết hợp cải thiện hệ thống thủy lợi. Ưu tiên phát triển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, thức ăn gia súc, dược liệu, may mặc, da giày... công nghiệp silicat; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến khoáng sản... và ngành công nghiệp hỗ trợ như cơ khí sửa chữa, lắp ráp điện tử...

Phát triển ngành thương mại, dịch vụ logistic tại các nơi có tiềm năng; phát triển cảng Mỹ Thuỷ trở thành trung tâm trung chuyển hàng hoá của khu vực và thế giới....

Xây dựng và phát triển Quảng Trị trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đặc trưng về lịch sử - văn hóa ở khu vực miền Trung. Xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Trị trên cơ sở khai thác giá trị biểu tượng về sự hồi sinh mạnh mẽ từ chiến tranh, ký ức chiến tranh - khát vọng Hòa Bình. Phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, trọng tâm là tam giác du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - Cồn Cỏ và dải đô thị du lịch ven biển.

Song song, cần tăng cường công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo, đảm bảo ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bình yên cho nhân dân để các nhà đầu tư yên tâm vào đầu tư lâu dài tại tỉnh Quảng Trị.

Tin cùng chuyên mục