Sáng 21-7, tại Hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội, diễn ra hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa XIII. Hội nghị do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức bằng hình thức trực tuyến với điểm cầu Trung ương tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội và điểm cầu các đảng ủy, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, đường truyền mở rộng đến cơ sở.
Tại hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã trình bày chuyên đề về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Ban Bí thư đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Việc tổng kết được triển khai bài bản, công phu, kỹ lưỡng, khoa học. Trên cơ sở tổng hợp các báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của 28 ban, bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh ủy, thành ủy; 26 chuyên đề nghiên cứu của các viện nghiên cứu, trường đại học; 41 hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học; kết quả khảo sát thực tế tại các địa phương, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW đã trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến để trình Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết 19 đã đề ra 5 quan điểm phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Nghị quyết tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, mối quan hệ gắn bó của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội… Nghị quyết cũng xác định rõ vai trò, vị trí quan trọng của nông dân, là người quyết định thành công của sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn.
Nghị quyết nêu rõ lợi thế và vai trò đặc biệt quan trọng và định hướng phát triển của nông nghiệp. Cụ thể, nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Định hướng xây dựng “nông thôn hiện đại” trong giai đoạn tới, tầm nhìn đến năm 2045, nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hoá quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản đứng hàng đầu thế giới. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.
Trên cơ sở tổng kết gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 26 và những bài học rút ra từ quá trình tổ chức thực hiện, trước bối cảnh mới, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số, để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, Nghị quyết số 19 đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, về hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nghị quyết nhấn mạnh tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật đất đai bảo đảm quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung, sử dụng linh hoạt, hiệu quả đất lúa. Tăng đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp 2 lần giai đoạn 2011 - 2020. Có cơ chế điều tiết, phân bổ ngân sách bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các địa phương có diện tích đất trồng lúa, đất rừng lớn với các địa phương khác; hỗ trợ nâng cao đời sống của người trồng lúa, trồng rừng. Khẩn trương hoàn thiện chính sách để mở rộng quy mô, đối tượng tham gia bảo hiểm nông nghiệp, góp phần giảm thiểu rủi ro cho nông dân. Tiếp tục dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, khuyến khích các tổ chức tín dụng cho vay đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng…
Về tổ chức thực hiện Nghị quyết, đồng chí Trần Tuấn Anh cho biết, để các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” sớm đi vào cuộc sống, thực hiện nhiệm vụ được giao, Ban Kinh tế Trung ương đã xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 19 trình Bộ Chính trị xem xét, ban hành để giao nhiệm vụ cho các tổ chức Đảng và cả hệ thống chính trị. Việc Bộ Chính trị có Kế hoạch triển khai Nghị quyết thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng ta về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khắc phục yếu kém trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng.