Đời sống khởi sắc
Hơn 10 năm trước, nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Nhà Bè thường xuyên lầy lội, ngập nước vào mùa mưa hoặc khi thủy triều lên. Nước sạch chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa còn thiếu. Thời điểm đó, huyện Nhà Bè có xuất phát điểm thấp so với các địa phương khác.
Ông Nguyễn Văn Lưu, Bí thư Huyện ủy Nhà Bè, tâm sự: “Việc xây dựng NTM ở huyện Nhà Bè mang đặc thù riêng là phải thực hiện trên nền quy hoạch đô thị. Đây là một thách thức lớn trong quá trình xây dựng đề án cũng như triển khai thực hiện. Tuy nhiên, sau 10 năm xây dựng NTM, các xã của huyện đều hoàn thành các tiêu chí, góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương, tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, học tập, vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”.
Đơn cử trong 10 năm thực hiện NTM, huyện Nhà Bè đã đầu tư xây dựng được 1.036 tuyến hẻm với tổng chiều dài 126,642km; 101 tuyến đường với tổng chiều dài 73,813km; 143 cây cầu với tổng chiều dài 7,741km. Trước năm 2010, trên toàn huyện có 5.200 đồng hồ nước và khoảng 30km đường ống nước. Đến nay đã lắp đặt 58.486 đồng hồ nước, 1.562 đồng hồ tổng và 94,44km đường ống nước. Đối với đồng hồ điện, trước năm 2010 chỉ có 33.368 đồng hồ điện, đến nay đã lắp đặt tổng cộng 67.298 đồng hồ điện.
Dù quá trình đô thị hóa đã thu hẹp quy mô diện tích đất nông nghiệp, nhưng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp luôn tăng đều hàng năm trên 1%. Nhờ hệ thống giao thông thuận tiện nên nông dân yên tâm đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại như nhà màng, nhà lưới trồng rau, sử dụng hệ thống tưới tự động; nuôi tôm lót bạt đáy, kiểm soát nguồn nước nuôi trồng bằng thiết bị điện tử kết nối với điện thoại thông minh, đầu tư máy cho ăn tự động…
Điển hình, ngành thủy sản với quy mô diện tích giảm 39% (238/386ha) nhưng sản lượng chỉ giảm 13% (1.398/1.621 tấn), năng suất năm 2010 là 4,2 tấn/ha, đến năm 2019 là 6 tấn/ha, tăng 1,43 lần.
Để người dân có thu nhập ổn định, góp phần giảm hộ nghèo, tăng hộ khá tại địa phương, huyện đã mở 118 lớp đào tạo nghề cho 3.554 lao động, 16 lớp dạy nghề ngắn hạn, tập huấn kỹ thuật về nuôi trồng và tổ chức nhiều hội thảo, tham quan các mô hình kinh tế hộ gia đình cho người dân. Cùng với việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, đặc biệt là khâu cải cách thủ tục hành chính, do đó ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào huyện và nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh mới được thành lập.
Nếu như năm 2010 có 3.928 hộ kinh doanh và 969 doanh nghiệp, đến năm 2019 số hộ kinh doanh là 9.329, tăng gấp 2,4 lần và 4.645 doanh nghiệp, tăng gấp 4,8 lần. Đời sống kinh tế khu vực nông thôn có nhiều khởi sắc và đây là một trong những kết quả rõ nét trong quá trình xây dựng NTM.
Tập trung hoàn thiện môi trường
Tuy nhiên, do huyện Nhà Bè nằm cạnh các khu đô thị mới có tốc độ đô thị hóa nhanh nên công tác vận động nhân dân hiến đất để thực hiện các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội rất khó khăn. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa và người dân nhập cư nhiều. Về phát triển kinh tế nông thôn, còn thiếu những doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế. Bởi, quy hoạch huyện Nhà Bè theo hướng đô thị, chưa xác định rõ vùng sản xuất nông nghiệp tập trung lâu dài.
Hiện nay, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra khá nhanh, do vậy, việc xây dựng NTM gắn với quá trình đô thị hóa là tất yếu để hình thành khu vực dân cư và cơ sở hạ tầng phù hợp tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp. Trong năm 2020, UBND huyện tích cực vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký hồ sơ cam kết bảo vệ môi trường; vận động các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường di dời đến nơi phù hợp quy hoạch.
Tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ dân đăng ký thu gom rác dân lập đạt 100%, khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng trạm trung chuyển rác tại xã Nhơn Đức và Phước Lộc. Khuyến khích phát triển kinh tế trang trại và các loại hình doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn bền vững nhằm bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp.
Để hoàn thành các tiêu chí nhằm nâng cao đời sống người dân, Bí thư Huyện ủy Nhà Bè Nguyễn Văn Lưu xác định, người dân chính là chủ thể để xây dựng NTM và là người hưởng thụ thành quả của NTM. Chính vì vậy, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phát huy tính chủ động và sáng tạo của người dân; nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch; thực sự quan tâm tới lợi ích thiết thực của người dân trong việc quyết định lựa chọn nội dung, quản lý, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện chương trình xây dựng NTM ở địa phương. Việc huy động, đóng góp của người dân phải được thực hiện trên cơ sở thực sự tự nguyện, không gượng ép quá khả năng đóng góp của người dân.