Phát triển nông nghiệp Đồng Nai theo hướng hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ

Đồng Nai có hơn 270.000ha đất nông nghiệp là tiềm năng lớn để phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hữu cơ với cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa dạng.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm” thuộc một trong những nhiệm vụ đột phá chiến lược, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao

Mô hình trồng chanh của anh Lê Kim Tiến (sinh năm 1987) và Nguyễn Văn Hiệp (sinh năm 1985) với quy mô 5ha tại ấp 6, xã Bàu Cạn (huyện Long Thành) được triển khai từ đầu năm 2018. Mô hình khá mới lạ vì chỉ lấy lá chanh Thái bán ra thị trường làm gia vị cho các món ăn và hệ thống trang trại. Mô hình đã mở rộng sang một số tỉnh, sản phẩm xuất khẩu đều đặn ra nước ngoài, cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/ năm, tạo thu nhập cho hàng chục lao động.

anh-hiep-9709.jpg
Mô hình trồng chanh lấy lá mới lạ tại xã Bàu Cạn, huyện Long Thành

Anh Hiệp chia sẻ, để có được trang trại chanh, ngay từ bước đầu chọn giống, chủ vườn lựa chọn những cây khỏe khoắn, không mang mầm bệnh, đúng độ tuổi ươm trồng và đất trồng được cày xới, phơi ải, xử lý kỹ lưỡng trước một tháng xuống giống. Anh sẵn sàng hỗ trợ cây giống, quy trình trồng, thu mua sản phẩm cho người dân muốn thực hiện mô hình này.

Cù lao Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) có diện tích 350ha, trong đó có 280ha được bà con trồng bưởi đường lá cam, bưởi da xanh, cho sản lượng 5.000 tấn/năm. Cây bưởi là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây, trung bình 1ha bưởi thu về 500 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người 88 triệu đồng/ năm, góp phần nâng cao đời sống kinh tế của người dân. Người trồng bưởi ưu tiên sử dụng men sinh học IMO, MEVI để ủ trái bưởi non, lục bình làm phân bón cho bưởi, giúp giảm chi phí, giá thành sản phẩm và sức lao động, hướng tới phát triển bền vững vùng chuyên canh bưởi nức tiếng trên vùng đất cù lao.

Khu vườn 1,2ha trồng 200 gốc bưởi đường lá cam, bưởi da xanh của gia đình anh Bùi Văn Tý (ấp Tân Triều), ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học nên cây to khoẻ, vườn ít sâu bệnh, cho nhiều trái, thu về 700-800 triệu đồng/năm.

z4897996047253-684196903358f7f1cdd718dabd594a4b-3776.jpg
Cù lao Tân Triều trồng hàng trăm ha bưởi theo hướng hữu cơ cho năng suất và mang lại thu nhập cao đối với bà con nông dân

Anh cũng làm 100 trái bưởi hồ lô khắc tên Phúc, Lộc, Thọ; Vạn, Sự, Như, Ý để tung ra thị trường dịp tết với giá 1 triệu đồng/cặp. Anh chia sẻ, cù lao Tân Triều đặc trưng nhất vẫn là bưởi đường lá cam, vị ngọt thanh, vỏ mỏng, múi tróc dễ lột và mùi vị đặc trưng so với bưởi được trồng ở các vùng miền khác. Hiện bưởi Tân Triều được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận thương hiệu an toàn đang giúp nâng cao giá trị cạnh tranh trên thị trường trong, ngoài nước.

Hình thành các vùng sản xuất tập trung

Đồng Nai hiện có 25,3ha diện tích cây trồng được cấp chứng nhận hữu cơ với nhiều sản phẩm như tiêu, sầu riêng, rau và đã quy hoạch được 8 vùng sản xuất hữu cơ tập trung với tổng diện tích gần 19.000ha ở xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ), Phước An (huyện Nhơn Trạch), Hiếu Liêm, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu), Thanh Sơn (huyện Định Quán).

anh-nguyen-van-duoc-phuong-xuan-tan-tp-long-khanh-dang-co-y-dinh-mo-rong-dien-tich-cay-sau-rieng-cua-gia-dinh-590.jpg
Người trồng sầu riêng ở TP Long Khánh có thu nhập ổn định vì giá cao

Tỉnh cũng xác định thêm 23 điểm đáp ứng được điều kiện sản xuất hữu cơ tại các địa phương như phát triển nông nghiệp hữu cơ 5ha ở phường Trảng Dài (TP Biên Hoà), 7 điểm với diện tích 137ha ở huyện Xuân Lộc và 2 điểm với diện tích 150ha ở xã Cẩm Đường (huyện Long Thành) là tiền đề cho tỉnh phát triển ngành nông nghiệp hữu cơ gắn với nhu cầu thị trường.

Trong đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp ca cao Suối Cát (huyện Xuân Lộc) chọn hướng liên kết sản xuất, tạo ra cánh đồng lớn để tiện áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động. Không chỉ lo đầu ra cho nông dân, HTX còn chế biến sâu nhiều sản phẩm đạt yêu cầu khắt khe về chất lượng, tiếp cận được với khách hàng các nước như Đức, Bỉ, Anh, Nhật Bản và có 2 sản phẩm OCOP 3 sao, xây dựng được nhãn hiệu riêng "Ca cao Thành Ý".

Tỉnh Ðồng Nai phấn đấu đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 1,5% tổng diện tích đất nông nghiệp, tương đương với khoảng 33.000 ha. Hiện Sở NN-PTNT tỉnh đang phối hợp với các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh; trong đó hỗ trợ 100% kinh phí xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ, chi phí cấp giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

nguoi-dan-tp-long-khanh-ban-sau-rieng-cho-khach-tham-quan-miet-vuon-vao-dip-le-hoi-trai-cay-long-khanh-nam-2023-5578.jpg
Người dân mở cửa hàng bán trái cây ở TP Long Khánh

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết thêm, sản xuất nông nghiệp hiện nay không chỉ dừng ở việc tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, mà còn phải hướng đến bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, bảo đảm an toàn thực phẩm. Do đó, phát triển nông nghiệp hữu cơ là hướng đi đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm chất lượng ngày càng cao của người tiêu dùng. Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đang triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, định hướng và các giải pháp phát triển sản xuất hữu cơ trong giai đoạn tới nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ Đại hội Đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Tin cùng chuyên mục