Deloitte dự báo, số người già trên 65 tuổi ở châu Á sẽ tăng từ 365 triệu hiện nay lên hơn 500 triệu vào năm 2027 và chiếm đến 60% số dân trên toàn thế giới trong độ tuổi này vào năm 2030.
Ngược lại, Ấn Độ sẽ làm chủ làn sóng tăng trưởng thứ ba của châu Á, tiếp sau Nhật Bản và Trung Quốc, nhờ lực lượng lao động được dự báo tăng lên mức 885 triệu người lên 1,08 tỷ người trong vòng 20 năm nữa và giữ ở mức đó trong vòng 50 năm sau.
Theo chuyên gia kinh tế của Deloitte Anis Chakravarty, “Ấn Độ sẽ chiếm hơn một nửa mức tăng lực lượng lao động ở châu Á trong thập kỷ tới. Chính những nhân lực mới này sẽ được đào tạo và giáo dục bài bản thế hệ lao động Ấn Độ hiện nay”.
Nhà kinh tế này cũng cho biết nguồn nhân lực tăng cũng kéo tiềm năng kinh tế tăng theo, nhờ tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động gia tăng, cũng như khả năng và nhu cầu làm việc kéo dài hơn.
Báo cáo cũng cho biết, ngoài Ấn Độ, Indonesia và Philippines cũng có dân số khá trẻ, nghĩa là hai nước đó cũng sẽ có mức tăng trưởng tương tự. Thế nhưng, đà tăng của Ấn Độ không phải là bất biến: nếu nước này không có khung pháp lý phù hợp để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng, thì dân số tăng mạnh sẽ dẫn đến thất nghiệp và đó là mầm mống của bất ổn xã hội.
Ngoài ra, hiện nay chỉ 2% công nhân Ấn Độ được đào tạo kỹ năng chính thức, con số này là quá nhỏ so với mức 68% ở Anh, 75% ở Đức và 96% ở Hàn Quốc… nên Chính phủ Ấn Độ chú trọng đào tạo lực lượng lao động của mình hiệu quả và xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để giúp nền kinh tế phát triển. Nếu thành công trong việc củng cố nguồn lực quan trọng này, Ấn Độ sẽ nhanh chóng trở thành nền kinh tế quan trọng của thế giới.
Trong số các ngành kinh tế của Ấn Độ, khoa học và công nghệ được mong đợi sẽ có sự phát triển nổi trội hơn cả. Ấn Độ đã có những bước tiến đáng chú ý trong đổi mới, một phần là do chương trình cải cách Digital India của Thủ tướng Narendra Modi.
Theo đó, cơ sở hạ tầng trực tuyến của nước này sẽ được mở rộng. Các công ty khởi nghiệp, đặc biệt là các công ty công nghệ cũng sẽ nhận được sự hậu thuẫn tài chính để thúc đẩy đổi mới, tăng tính chuyên môn cho ngành công nghệ thông tin vốn được xem là thế mạnh của Ấn Độ. Trung tâm Khoa học công nghệ Trung Quốc dự báo, Ấn Độ sẽ có sự đổi mới đột biến vào cuối thập niên tới khiến các nền kinh tế mới nổi sẽ phải nỗ lực bám đuổi.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dự đoán nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững hơn. GDP bình quân đầu người của Ấn Độ đã tăng lên 6.100 USD trong năm 2016 và dự kiến sẽ vượt qua Trung Quốc vào năm 2021.
Ngoài ra, trong năm 2017, GDP của Ấn Độ tăng 7,2% so với 6,5% của Trung Quốc. Trong khi đó, xếp hạng về mức độ cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy, Ấn Độ đã có sự “nhảy vọt” từ hạng 55 của năm tài khóa 2015 - 2016 lên hạng 39 của năm tài khóa 2016 - 2017…