Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phát triển bền vững. Thông qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những thành tựu quan trọng: kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng phát triển (98,4% xã có đường đến trung tâm, 98% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia); tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, cuối năm 2017, ở các huyện nghèo còn dưới 40% hộ nghèo, ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3% - 4%/năm… Tuy nhiên, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân của hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nơi chỉ bằng 40% - 50% bình quân trong khu vực; tỷ lệ dân số dân tộc thiểu số chiếm 14,6% dân số cả nước nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 52,7% số hộ nghèo của cả nước; chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa so với mặt bằng chung vẫn còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội còn nhiều khó khăn...
Năm 2019, Chính phủ đã xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo hướng tích hợp các chính sách, giải pháp nhằm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Một trong những giải pháp quan trọng nhất là nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, nhất là giáo dục - đào tạo cho khu vực đồng bào dân tộc thiểu số với việc mở các trường dân tộc nội trú, nâng cao kỹ năng sống và hội nhập cho các cháu học sinh dân tộc thiểu số, tạo điều kiện để các cháu vươn lên trong học tập và cuộc sống. Phấn đấu đến năm 2030, không còn hộ dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.