Phát triển nhân lực và đào tạo Fintech trong thời đại số

Chiều 27-9, tại hội thảo Phát triển nhân lực và đào tạo Fintech trong thời đại số do Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (VKU) tổ chức, nhiều diễn giả cho biết việc hình thành trung tâm công nghệ tài chính (Fintech) cần có nhiều yếu tố. 

Các diễn giả thảo luận tại hội thảo Phát triển nhân lực và đào tạo Fintech trong thời đại số. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Các diễn giả thảo luận tại hội thảo Phát triển nhân lực và đào tạo Fintech trong thời đại số. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo TS Huỳnh Ngọc Thọ, Phó Hiệu trưởng VKU, Fintech dù là ngành mới nhưng số lượng doanh nghiệp tăng rất nhanh. Năm 2010 chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp về Fintech. Đến năm 2024, số lượng doanh nghiệp về Fintech đã hơn 200. Khối lượng giao dịch từ năm 2022 là 22 tỷ USD đến năm 2024 vượt quá 35 tỷ USD. Bên cạnh đó, Nghị quyết 26 -NQ/TW ngày 0-/11-2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề cập nội dung phát triển TP Đà Nẵng thành trung tâm Fintech quốc tế. Vì vậy sắp tới, nhu cầu nguồn lực cho lĩnh vực Fintech khá lớn.

Đồng quan điểm, theo PGS. TS Nguyễn Thành Đạt, Phó trưởng Ban Khoa học – Hợp tác quốc tế (Đại học Đà Nẵng), Fintech là công cụ thiết yếu để tăng trải nghiệm của người dùng. Sự xuất hiện Fintech có thể hỗ trợ công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa đủ tiếp cận những món vay lớn từ ngân hàng. Đây cũng là cách giải quyết được vấn đề tín dụng cho các công ty nhỏ và vừa. Chính Fintech cung cấp thông tin cho ngân hàng, từ đó tạo nguồn khách hàng tiềm năng.

z5873631474080_b2573a3ab0692f9d817879e67fa401bc.jpg
Ông Trần Huyền Dinh, Chủ nhiệm Uỷ ban Công nghệ tài chính – Hiệp hội Blockchain Việt Nam thông tin ứng dụng Fintech dẫn đầu cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Để hình thành trung tâm Fintech, Đà Nẵng phải có đủ hệ sinh thái Fintech tại địa phương, cần có sự tham gia của tất cả các bên như: khách hàng; định chế tài chính, mạng lưới ngân hàng; định hướng của chính quyền với những ưu đãi cho công ty. Cốt lõi nhất vẫn là nguồn nhân lực chất lượng cao là cơ sở của các đơn vị có thể đến địa phương đặt cơ sở.

Đề cập đến nguồn nhân lực, theo ông Lê Phước Cửu Long, Trưởng khoa Kinh tế số và thương mại điện tử của VKU, người làm Fintech phải có kiến thức về công nghệ kết hợp kiến thức về tài chính và nắm bắt được những xu hướng công nghệ mới nổi tài chính và khả năng áp dụng trên thực tế. Một trong những cái thiếu của sinh viên Việt Nam đó là trải nghiệm thực tế với diễn biến, xu hướng công nghệ mới trên thị trường. Việc đầu tư VKU Fintech hub (Trung tâm đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo Fintech) từng bước sẽ xóa bỏ được khoảng cách. Tại trung tâm, đơn vị sẽ xây dựng mô hình giả lập, mô tả hoạt động tài chính, cho phép sinh viên tham gia với vai trò các bên tham gia trong lĩnh vực Fintech. Điều này giúp các em hình thành tư duy thực tế, từ đó giải quyết được bài toán thực tế.

z5871687064446_c5e857ebde81ea98305782bde9a1bfba.jpg
Sinh viên trải nghiệm các phần mềm tại Trung tâm đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo Fintech. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng, khi triển khai các hoạt động liên quan đến lĩnh vực Fintech thì khó khăn lớn nhất vẫn là yếu tố pháp lý. Các quy định trước đây chưa đủ để đáp ứng cho hoạt động mới liên quan đến lĩnh vực Fintech. Điều này đang là vướng mắc ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để cải thiện điều này, Ngân hàng Nhà nước tiến hành cải cách các cơ chế pháp lý hiện hành, nâng cấp lên để có thể tương thích với hoạt động Fintech diễn ra trong thực tế. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đang tham mưu Chính phủ trình Nghị định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.

Tin cùng chuyên mục