Phát triển nhà ở xã hội: Cung cấp gói tín dụng lâu dài, lãi suất ưu đãi thấp hơn 3% - 5% so với vay thương mại

Chiều 17-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp về tình hình triển khai, thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thực hiện dự án nhà ở xã hội trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn. Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11-3-2023 của Chính phủ (về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững), đến nay đã có 6 ngân hàng tham gia chương trình, số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng.

Đến nay, các ngân hàng đã giải ngân với số tiền là 1.144 tỷ đồng (gồm 1.133 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 11 dự án; 11 tỷ đồng cho người mua nhà tại 4 dự án). Tuy nhiên nhiều tỉnh, thành phố lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long An có tỷ lệ thực hiện nhà ở xã hội thấp so với mục tiêu của đề án. Việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội còn chậm. Các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai…

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần đa dạng hóa nguồn lực phát triển nhà ở xã hội, gồm nguồn lực từ Nhà nước, nhân dân, xã hội, các tổ chức tín dụng (gồm ngân hàng thương mại nhà nước và ngoài nhà nước) để hỗ trợ cả người bán và người mua. Các thủ tục, điều kiện cho người vay vốn để đầu tư nhà ở xã hội và người mua, thuê, thuê mua phải đơn giản hơn.

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước phụ trách việc thu xếp tín dụng cho cả người mua, người bán; khẩn trương chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp, nghiên cứu, xây dựng, cung cấp gói tín dụng cho người mua, mở rộng gói tín dụng, kéo dài thời gian vay lên 10-15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 3%-5% so với vay thương mại thông thường; nghiên cứu, hướng dẫn các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thế chấp, vay vốn thực hiện các dự án nhà ở xã hội đơn giản, thuận lợi hơn.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH-ĐT chủ trì, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện cho vay nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2024-2025. Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập Quỹ về nhà ở xã hội, đề xuất sớm trước ngày 30-6-2024; xây dựng, hướng dẫn các địa phương phát hành trái phiếu cho nhà ở xã hội. Cấp ủy, chính quyền địa phương phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực, quyết liệt hơn, nhất là các thành phố trực thuộc Trung ương, các tỉnh có công nghiệp phát triển mạnh, đông công nhân, nhu cầu nhà ở xã hội lớn.

Tin cùng chuyên mục