Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp chip bán dẫn

Ngày 19-10, tại Đại học Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp chip bán dẫn

Cần 50.000 nhân lực chất lượng cao

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), các trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã tương đối sẵn sàng về năng lực đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn - vi mạch gồm: nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn, thiết kế vi mạch…

Việc đào tạo có thể tuyển mới đào tạo từ đầu hoặc sinh viên học các ngành gần có thể chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối; kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo từ vài tháng tới 2 năm để đáp ứng yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn - vi mạch.

Hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn, trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao.

Dự kiến, sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ sẽ có thêm nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam, trong đó chủ yếu yêu cầu nhân lực thiết kế vi mạch, công nghiệp sản xuất.

Tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, trong 5 năm tới cần khoảng 20.000 và 10 năm nữa cần khoảng 50.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên.

Hiện tại, số nhân lực thiết kế vi mạch có khoảng 5.000 người, theo giới chuyên gia, nhu cầu đào tạo trong một vài năm tới khoảng 3.000 người/năm. Trong đó, số tốt nghiệp sau đại học chiếm ít nhất 30%, bao gồm cả kỹ sư bậc 7, thạc sĩ, tiến sĩ.

Tuy nhiên do thị trường lao động về lĩnh vực bán dẫn - vi mạch mới manh nha hình thành, chủ yếu ở dạng tiềm năng nên thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được sinh viên theo học và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp.

Không thể theo lối cũ

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho rằng, với khối STEM, trường nào có nhiều hợp tác với doanh nghiệp là một lợi thế. Nhờ vào chính sách hỗ trợ học thuật của một số hãng công nghệ lớn, sinh viên có thể tiếp cận các phần mềm thường được sử dụng trong đào tạo đại học… Về cơ bản, sinh viên sau khi học các môn học trên có thể hiểu rõ nguyên lý hoạt động và nguyên lý thiết kế của vi mạch, đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhà trường vẫn thiếu đội ngũ nhân lực và chương trình đào tạo chuyên sâu, cơ sở vật chất chưa theo kịp với sự phát triển của công nghệ.

5 cơ sở giáo dục đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ký kết Biên bản hợp tác liên minh. Ảnh: XUÂN QUỲNH
5 cơ sở giáo dục đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ký kết Biên bản hợp tác liên minh. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tương tự, ông Nguyễn Phúc Vinh, Giám đốc kỹ thuật Synopsys Việt Nam cho biết, nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn rất lớn nhưng vẫn không đủ đáp ứng. Ở TPHCM, sinh viên học năm 3 đã có thể đi làm, phần lớn tập trung vào mảng thiết kế vật lý, kiểm tra thiết kế và một số mảng khác.

Ông Vinh chia sẻ, ngành công nghiệp chip bán dẫn có thu nhập rất hấp dẫn, tăng đều theo hằng năm. Trong đó, kỹ sư thiết kế vi mạch mới ra trường thu nhập sau thuế gần 220 triệu đồng/năm, với những người làm việc kinh nghiệm lâu năm thu nhập từ 1,3 đến 1,5 tỷ đồng/năm.

Vì vậy, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, cần có chứng nhận dùng chung cho các trường đại học thông qua Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và riêng cho các trường đại học trọng điểm. Có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển như đặt hàng nhiệm vụ khoa học - công nghệ cho các trường đại học, viện nghiên cứu trọng điểm…

Đồng ý kiến, TS Nguyễn Trung Hiếu, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng, Chính phủ cùng các địa phương cần nghiên cứu tổ chức/phát triển tối thiểu 3 trung tâm công nghệ cao, ưu tiên đầu tư cho thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn tại 3 khu vực Bắc - Trung – Nam.

Trong đó, cần thiết lập tối thiểu 1 trung tâm để đầu tư máy chủ, mua bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch của một số đơn vị như Synopsis, Cadence, Mentor Graphic, xây dựng mini lab dùng chung cho các trường đại học. Ngoài ra, cần có chính sách, quy định cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, thành lập, phát triển cơ sở sản xuất kinh doanh vi mạch bán dẫn ở Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp của Việt Nam. Cần có chính sách về học bổng, học phí, ưu đãi tín dụng và các chính sách khác thúc đẩy người học quan tâm, kiên trì theo đuổi lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.

Ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phát biểu kết luận. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phát biểu kết luận. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, đây là lĩnh vực công nghệ cao, cần đầu tư cao, yêu cầu cao, kỳ vọng cao, người học có thể có lương cao… nên phải đào tạo với tinh thần là chất lượng cao.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cần thống nhất một điều câu chuyện mới chỉ là bắt đầu, khó khăn còn chồng chất phía trước. Công tác tuyển sinh, đào tạo phải dựa trên sự phân tích các dữ liệu có liên quan và phải có kế hoạch, lộ trình, bài bản và chắc chắn. Vì vậy, các trường cần phải có các giải pháp đột phá. Đây là ngành mới, không thể phát triển bằng kinh nghiệm cũ, thói quen cũ, cách làm cũ; phải có cách làm, tầm nhìn thực sự mới mẻ.

Tin cùng chuyên mục