Xây dựng thương hiệu cho nông sản
Anh Lê Lộc Quân (chủ cơ sở Mật ong Quân Phát, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) nuôi ong lấy mật từ những năm 2000. Hiện cơ sở có 1.000m2 xưởng và 2.000m2 trại nuôi ong bánh tổ và đang liên kết thu mua cho 10 hộ nuôi ong trên địa bàn; sản xuất mật ong ly tâm, mật ong bánh tổ, nước màu mật ong. Anh Quân cho biết, cơ sở đang sản xuất khoảng 400 thùng mật và ký hợp đồng liên kết với nông dân đang nuôi với sản lượng trên 20.000 hộp/tháng, cung cấp cho các công ty thương mại để xuất khẩu tại các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu. Trong thời gian tới, cơ sở tiếp tục đổi mới mẫu mã bao bì, thân thiện với môi trường và tìm kiếm đối tác nước ngoài để trực tiếp xuất khẩu, đưa thương hiệu mật ong đến với thị trường ngoài nước.
Còn ông Trương Văn Mỹ, Giám đốc HTX Dịch vụ - Nông nghiệp ca cao Suối Cát (huyện Xuân Lộc) cho biết, HTX có 67 thành viên tham gia trồng ca cao trên diện tích 72,5ha. Khi tham gia chuỗi liên kết, người nông dân được hỗ trợ về vật tư, phân bón và hệ thống tưới tiết kiệm, canh tác theo chuẩn GlobalGAP. HTX chủ động ký kết tiêu thụ với Công ty Marou, Công ty Nhật Bản lo đầu ra cho nông dân. Bà con xã viên trực tiếp làm ra bột ca cao nguyên chất và socola sữa được tỉnh chứng nhận 3 sao. Ông Mỹ chia sẻ, nhiều vườn điều trước đây cho thu nhập rất thấp, nay thay bằng vườn ca cao trĩu quả, thu nhập 500 - 600 triệu đồng/ha.
Nhận thấy những lợi ích từ ca cao, bà con nông dân trồng điều và những loại cây ăn trái khác tại địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tự nguyện tham gia vào chuỗi liên kết của HTX. Qua đó đưa số lượng thành viên HTX hơn 100 thành viên và diện tích tăng lên hơn 100ha. Qua tìm tòi và thử nghiệm đã khử chua bằng lá cây với quy trình lên men điều chỉnh nhiệt độ thích hợp, giữ lại được 100% chất Pholyphenol cho ca cao. Đến nay, nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Mỹ, Nhật, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc đánh giá HTX là nơi lên men hạt ca cao tốt nhất Việt Nam và mua với giá cao.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2020 đến nay, địa phương có gần 5.000 đơn đăng ký nhãn hiệu và gần 3.000 đơn đăng ký nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, nhiều nhất là TP Biên Hòa, tiếp đến là các huyện Long Thành, Trảng Bom. Các ngành chức năng cũng tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập, trong đó chú trọng đến hỗ trợ bảo hộ về sở hữu trí tuệ cho nông sản của địa phương.
Tập trung chế biến sâu
Ghi nhận của PV Báo SGGP, tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Từ năm 2021 đến 2023, tỉnh có 16 dự án đầu tư vào nông nghiệp, với tổng mức đầu tư là hơn 1.300 tỷ đồng. Các doanh nghiệp chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực như sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, và giống cây trồng, vật nuôi.
Tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch và đặc biệt quan tâm mời gọi đầu tư các dự án thuộc ngành nông nghiệp và công nghệ chế biến nông sản. Ngành nông nghiệp và các địa phương tích cực tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp với đơn vị sản xuất, tham gia xây dựng chuỗi liên kết, tham gia các hoạt động giao thương trong, ngoài tỉnh.
Đồng Nai cũng triển khai thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến sản phẩm nông sản theo hướng chế biến sâu, chế biến tinh tại 2 cụm công nghiệp là cụm công nghiệp Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) và Phú Túc (huyện Định Quán). Từ đó, hình thành các chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất, giải quyết đầu ra cho nông sản, tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần nguồn vốn lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nhân lực, tiêu thụ sản phẩm và sở đang tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người nông dân về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ngành nông nghiệp cũng tiếp tục huy động nguồn lực ưu tiên đầu tư để từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản, phục vụ cho xuất khẩu.