Tham dự có Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Nguyễn Ngọc Hồi; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TPHCM Dương Vũ Thông, cùng đại diện các cơ quan báo đài, truyền thông.
Các đại biểu chia sẻ nhiều giải pháp hướng đến mục đích làm sao để các cơ quan báo chí phát triển nền tảng mạng xã hội hiệu quả.
Hiện nay, các báo đã áp dụng mô hình phân phối thông tin đa nền tảng, thay vì chỉ phát triển báo in, báo điện tử như trước đây. Trong đó, các nền tảng mạng xã hội được các báo sử dụng gồm: Facebook, YouTube, Zalo, TikTok, Lotus…
Nhà báo Đức Trung, Phó Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Thanh Niên chia sẻ, ngoài báo in và báo điện tử, Báo Thanh Niên cũng tập trung vào các nền tảng mạng xã hội với lượt theo dõi khá cao.
Nhà báo Đức Trung cho rằng việc cạnh tranh trên các nền tảng mạng xã hội của báo chí rất gay gắt, phải vừa bảo đảm nội dung, vừa làm sao để bạn đọc quan tâm, làm mới mình và có nội dung thu hút giới trẻ. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản và có sự chung sức của cơ quan quản lý nhà nước.
Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Chiến Dũng, Thư ký Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng điện tử cho biết, trên các nền tảng mạng xã hội, liên quan những vụ vu khống, tít thường được đặt rất hay nhưng nội dung bên trong lại chẳng mấy liên quan. Theo nhà báo, việc quản lý mạng xã hội như thế nào, tít cần đặt ra sao để thu hút là vấn đề khi hòa mình vào các nền tảng mạng xã hội. Riêng ở Báo Sài Gòn Giải Phóng, từ thông tin trên mạng xã hội, người làm nội dung phải kiểm chứng thông tin, khai thác theo hướng người dân tin tưởng để định danh. Những thông tin này tất nhiên cũng phải bắt kịp xu hướng của mạng xã hội nhưng phải chuẩn xác.
Theo nhà báo Nguyễn Chiến Dũng, Báo Sài Gòn Giải Phóng xác định có thể thông tin chưa nhanh nhưng chính xác là tiêu chí tiên quyết. Dù rằng mỗi báo có cách khai thác, sản xuất nội dung khác nhau nhưng phải kiểm chứng thông tin, đẩy lùi được thông tin giả.
Còn theo nhà báo Đỗ Thiện, Trưởng Ban Truyền hình đa nền tảng của Báo Pháp Luật TPHCM, các cơ quan báo chí tham gia mạng xã hội sẽ có nhiều lợi thế. Trong đó, mạng xã hội mang về cho các cơ quan báo chí lượt tương tác cũng như doanh thu. Khi tham gia mạng xã hội, các cơ quan báo chí sẽ bắt trend, nắm được thị hiếu của người dùng mạng xã hội, từ đó bắt kịp nhu cầu tin tức của người dùng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hồi, các cơ quan báo chí đang chuyển đổi số nhằm tiết kiệm chi phí, tăng tính hiệu quả trong sản xuất sản phẩm báo chí và đặc biệt là bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí. Sở TT-TT TPHCM đang xây dựng các kế hoạch, quy chế nhằm tạo điều kiện cho báo chí phát triển nhanh; hỗ trợ để cơ quan báo chí có thể xây dựng thương hiệu trên nền tảng mạng xã hội; xử lý những hành vi đăng tin giả, xấu, độc lên mạng xã hội.
Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân cho rằng, bạn đọc hiện nay có tâm lý muốn xem những thông tin “lá cải”, trong khi những bài viết về người tốt, việc tốt lại không thu hút lượt xem nhiều. Vì thế, các cơ quan báo chí cần xây dựng những giải pháp mang tính chủ động trong việc phát triển các nền tảng mạng xã hội. Với tốc độ phát triển như hiện nay của các nền tảng mạng xã hội, cần có nhiều giải pháp để cơ quan báo chí không bị lệ thuộc vào các nền tảng này.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TPHCM Dương Vũ Thông thông tin thêm, cả nước hiện có khoảng 800 cơ quan báo chí hoạt động. Việc xây dựng mạng lưới cạnh tranh với mạng xã hội là cần thiết. Báo chí chính thống khác mạng xã hội ở chỗ là cần xác định viết cho ai, viết để làm gì, làm sao chuyển tải thông điệp để xã hội đẹp, sáng hơn. Để phát huy đầy đủ thế mạnh và sự định hướng, các cơ quan báo chí cần bố trí đội ngũ có hiểu biết quy định về mạng xã hội và thực hiện phương châm nhanh, đúng.