Phát triển mô hình kinh tế độc lập, sáng tạo trên cơ sở phát huy giá trị tự nhiên

Sáng 1-8, tại TP Đà Nẵng, đoàn Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm trưởng đoàn làm việc với các tỉnh thành Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung. 

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Vấn đề lớn nhất để thực hiện quy hoạch là nguồn lực

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, nhiệm kỳ qua, vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26 NQ/TW ngày 3-11-2022 về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh; Thủ trưởng chính phủ có Quyết định 376 về phê duyệt quy hoạch vùng. Với cơ sở trên, phải có giải pháp thực hiện quy hoạch, nhất là cơ chế tổ chức hoạt động của hội đồng điều phối vùng. Bởi, nếu không có cơ chế này, vai trò của hội đồng cũng chỉ là hình thức và sự liên kết giữa các địa phương rất lỏng lẻo.

Bên cạnh đó, cần phải nhấn mạnh việc đảm bảo cơ chế và nguồn lực cho việc triển khai định hướng cho quy hoạch. Trong giai đoạn tới, phải xác định nguồn lực tập trung cho công trình, dự án có tính chất liên kết và lan tỏa vùng và cả nước. Nhiệm kỳ tới cần báo cáo Quốc hội chủ trương phát triển cao tốc đường sắt để liên kết địa phương trong vùng.

Không chỉ vậy, ông Quảng đề nghị trong báo cáo trình Đại hội cần đánh giá việc cụ thể hóa nghị quyết về cơ chế đặc thù của các địa phương, trên cơ sở tổng kết đánh giá và luật hóa những vấn đề được thực tiễn chứng minh. Đặc biệt, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 77 về phương án tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan dự án đất đai ở các địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa… Đây sẽ là đột phá về quan điểm, thể chế cần được tiếp nối trong báo cáo.

z5688608426894_44eda35d8fe28b912c15546e42780eff.jpg
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Chọn Đà Nẵng là địa phương đầu tiên tháo gỡ vướng mắc đất đai

Đề cập đến những ý kiến của Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhìn nhận, nếu vùng mà thống nhất chọn dự án, công trình động lực để thực hiện ưu tiên thì Chính phủ sẽ phân bổ ngân sách. Bên cạnh đó, nói về cơ chế đặc thù ở các địa phương để giải quyết vướng mắc mà luật chưa có nhưng nếu làm hiệu quả thì đương nhiên nhìn nhận là cơ chế đúng (thành luật). Đối với tháo gỡ khó khăn đất đai, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng phải làm ngay. Nếu không tháo gỡ thì như đang chôn tiền, chôn đất vào lãng phí. Kết luận 77, sẽ khởi chọn Đà Nẵng để tháo gỡ, sau đó là Khánh Hòa, TPHCM và Hà Nội. Sau khi hoàn thành, sẽ có văn bản hỏa tốc để gửi những địa phương còn lại.

Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, quy hoạch chung của các tỉnh đã được phê duyệt. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là huy động nguồn lực nào để cụ thể hóa chương trình mục tiêu dự án, nhất là những dự án, chương trình lớn. Ông Triết kiến nghị, Trung ương sớm hoàn thiện các cơ chế để xã hội hóa đầu tư các dự án lớn, cũng như cơ chế đặc thù cho kinh tế mở. Ví dụ, Quảng Nam từ nay đến 2030, quy hoạch tỉnh cần 630.000 tỷ đồng, trong khi đó đầu tư công trong 5 năm khoảng 60.000 ngàn tỷ đồng. Như vậy, thiếu nguồn cực kỳ lớn, nguồn lực từ xã hội hóa là hết sức quan trọng. Hay đô thị cổ Hội An, Tháp Mỹ Sơn,… là di sản của Quảng Nam đang được khai thác hiệu quả nhưng phải cần có cơ chế để phát huy kinh tế từ nguồn lực văn hóa di tích, kết hợp kinh tế xanh với bảo tồn di tích. Ngoài ra, ông Triết cũng kiến nghị Trung ương cần sớm có cơ chế hướng dẫn về quản lý bảo vệ rừng và phát triển kinh tế rừng, để người dân thực sự sống được nhờ vào rừng, phát triển kinh tế dưới tán rừng.

z5688612411076_9954e5f5641f445a998d35fd6114908b.jpg
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam phát biểu. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tương tự, ông Nguyễn Hoài Anh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đồng tình cần tháo gỡ những vướng mắc để khơi thông nguồn lực, tăng cường cơ chế thí điểm để phát huy lợi thế của vùng và một số lĩnh vực. Từ cơ chế thí điểm, nếu phát huy hiệu quả sẽ có thể điều chỉnh, hoàn thiện pháp luật và mở rộng khung pháp luật. Điển hình như, năng lượng tái tạo là lĩnh vực có tiềm năng lợi thế lớn, nhất là tỉnh, thành phố ven biển. Qua khảo sát, tỉnh Bình Thuận có tiềm năng phát triển đến 20.000MW trong khi Thủy điện Sơn La là 2.400MW.

Tập trung phát triển ngành, lĩnh vực xu thế

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các địa phương. Ông đề nghị các địa phương trong vùng cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ thế mạnh riêng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nâng cao hiệu quả, chất lượng và tính bền vững.

Trọng tâm là đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI, tiếp tục đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo… Riêng về cơ cấu kinh tế, ngoài tập trung cho các ngành mang tính chất đại diện cho xu thế của thời đại cần chú trọng phát triển theo mô hình kinh tế tự nhiên hài hòa, một nền kinh tế độc lập, tự chủ, kinh tế trí thức, kinh tế sáng tạo trên cơ sở phát huy giá trị tự nhiên, giá trị di sản.

z5688583928671_ed9efa202313686e46a584139837439f.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kết luận hội nghị. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Thực tế này đòi hỏi sự thay đổi mang tính cách mạng, thay đổi mô hình kinh tế, chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững để doanh nghiệp trong nước tham gia và khẳng định vị trí trong chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu; quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Bên cạnh việc ban hành hệ thống quy hoạch, pháp luật bao phủ các lĩnh vực, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần tiếp tục rà soát, xây dựng thể chế chính sách đồng bộ, thống nhất, cập nhật kịp thời những vấn đề thực tiễn đang biến chuyển nhanh chóng, tạo không gian cho tư duy đổi mới, sáng tạo.

Tin cùng chuyên mục