Cụ thể, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp (DN) TPHCM đến năm 2025 đạt 15%, đến năm 2030 đạt 20%. Tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%. Góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 khoảng 10% - 15%. Tổng nhu cầu vốn phát triển ngành logistics giai đoạn 2020-2030 tại TPHCM vào khoảng 95.800 tỷ đồng.
Để thực hiện mục tiêu trên, đề án đề ra nhiều nhóm giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng logistics; thành lập hệ thống trung tâm logistics tại 7 vị trí, gồm: Long Bình, Cát Lái, Khu công nghệ cao (quận 9), Linh Trung (quận Thủ Đức), Tân Kiên (huyện Bình Chánh), Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và huyện Củ Chi với tổng diện tích giai đoạn 2025 - 2030 đạt khoảng 270 - 623ha.
Theo các chuyên gia, TPHCM phải trở thành trung tâm logistics để đáp ứng đòi hỏi nhu cầu thị trường, đồng thời phát huy lợi thế tốt nhất vì lâu nay TP luôn giữ vai trò đầu mối của cả khu vực. Đặc biệt, nếu đặt đề án trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam đã ký kết, tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thì việc thực thi các FTA chính là quá trình gỡ bỏ dần các rào cản thuế quan và phi thuế quan, mang đến kỳ vọng mở rộng thị trường cho cả xuất khẩu - nhập khẩu và phân phối nội địa. Thương mại gia tăng sẽ là nhu cầu, là động lực cho sự phát triển của dịch vụ logistics, ngược lại, logistics chính là nền tảng, là “bệ đỡ” cho sự tăng trưởng của kinh tế TPHCM.
Nếu tiếp cận logistics ở góc độ là tổng thể các dịch vụ vận tải, kho bãi, đóng gói, kiểm định, giao nhận hàng hóa… dùng để chuyên chở nguyên vật liệu đến từng nhà máy sản xuất, và vận chuyển toàn bộ sản phẩm đến tay người tiêu dùng thì logistics chính là “mạch máu” kết nối chuỗi sản xuất - lưu thông hàng hóa trong nước và giao thương với thị trường thế giới. Nếu bản chất của logistics là tối ưu hóa các dòng lưu chuyển hàng hóa qua nhiều công đoạn thì công nghệ thông tin chính là chìa khóa liên kết và tối ưu hóa từng công đoạn, từng dịch vụ logistics cụ thể. Do vậy, chuyển đổi số - ứng dụng công nghệ thông tin cần được xem là hướng ưu tiên của ngành logistics trong giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030, với 2 nhiệm vụ chiến lược là tập trung phát triển logistics cho ngành thương mại điện tử và cung cấp chuỗi dịch vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu gắn với thị trường châu Á và trung chuyển ra cảng Cái Mép - Thị Vải để đi Âu - Mỹ.
Quay trở lại với Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TPHCM, thực chất nhà nước chỉ đứng ra xây dựng đề án tổng thể, quy hoạch vị trí, chính sách... còn triển khai thực hiện, điều hành là các doanh nghiệp làm. Vì vậy, để thu hút vốn của các doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển ngành logistics thì cần có những cam kết vượt bậc từ nhà nước về các cơ chế, chính sách, cũng như hoàn thiện việc kết nối về hạ tầng giao thông.
Thực tế cũng chỉ ra rằng, TPHCM sẽ không thể đi xa nếu không triển khai tốt việc liên kết với các tỉnh để hình thành vùng kinh tế TPHCM. Để giữ vững được vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, thì việc hoàn thiện, trở thành đầu mối lĩnh vực dịch vụ logistics, kết nối được các vùng trong cả nước trong bối cảnh nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của TPHCM có xu hướng dần dịch chuyển sang các tỉnh, thành khác là cần thiết. Đây là vấn đề cần tiếp tục được bàn bạc kỹ lưỡng từ nhiều phía, nhiều cấp có thẩm quyền, từ đó chúng ta đưa ra những kế hoạch triển khai nhanh, trúng và đúng, là chìa khóa trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành logistics nói riêng.