Cung chưa đủ cầu
Hiện người trồng lan có thu nhập cao so với người trồng các loại cây nông nghiệp khác, với khoảng 800 triệu đồng/ha/năm. Nhờ đó, diện tích trồng lan tại TPHCM tăng khá mạnh qua các năm. Năm 2010, diện tích sản xuất chỉ 190ha thì năm 2015 là 310ha; đến hết năm 2018, diện tích trồng lan lên đến 375ha, tập trung nhiều ở huyện Củ Chi (249ha), Bình Chánh (70ha)... 2 giống lan được trồng nhiều là Mokara và Dendrobium. Những vùng đất phèn nặng và đất bạc màu chiếm số lượng lớn ở ngoại thành TPHCM thích hợp để người dân chuyển từ cây thu nhập thấp sang trồng lan. Hiện các giống lan nhiệt đới này cũng được trồng tại nhiều tỉnh khác ở khu vực phía Nam.
Ông Nguyễn Hoàng Hòa, Giám đốc Công ty Hoa lan Hoàng Hòa, nhận định xu hướng phát triển hoa lan còn nhiều triển vọng. Khi kinh tế phát triển, bên cạnh nhu cầu về hoa trang trí trong nhà, nhất là dịp lễ tết của người dân thành thị tăng nhanh; các hội nghị quốc gia cũng như các diễn đàn quốc tế tổ chức không chỉ tại TPHCM còn mở rộng ở các tỉnh với tần suất ngày càng tăng nên nhu cầu về hoa, trong đó có lan tăng thêm. Có lúc cung không đủ cầu. Năm 2018, chỉ riêng các nhà vườn TPHCM đã cung cấp ra thị trường 134,5 triệu lan cắt cành, nhưng hàng năm TP vẫn phải nhập khẩu hoa với số lượng tăng mạnh qua các năm, 5,5 triệu USD (năm 2014), 12,9 triệu USD (năm 2018), hầu hết nhập từ Thái Lan để đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa.
Theo Sở NN-PTNT TPHCM, Việt Nam tuy là quốc gia có giá trị xuất khẩu về hoa lan đứng thứ 6 trên thế giới, nhưng chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với Hà Lan, Thái Lan do hoa lan Việt Nam chưa đa dạng. Hàng năm, giá trị xuất khẩu từ ngành lan của Việt Nam trên 4 triệu USD, nhiều nhất là xuất sang Nhật Bản (chiếm khoảng 72,5%) và Hoa Kỳ (11,3%)...
Còn nhiều hạn chế
Như vậy, thị trường hoa lan TPHCM còn có điều kiện phát triển với nhiều tiềm năng và lợi thế đang có, nhưng việc phát triển lan nhiệt đới tại TPHCM và các tỉnh nhằm cung cấp nhu cầu trong nước cũng như tính tới việc xuất khẩu, khó có sự bền vững nếu không kịp thời giải quyết các vướng mắc. Đó là khâu giống, dịch bệnh, vốn…
Nhà vườn Nguyễn Thị Sáu (quận Thủ Đức, TPHCM) cho biết, vài năm qua nhiều vườn hoa lan bị côn trùng tấn công khiến năng suất hoa thấp. Để khắc phục cần phải đầu tư khoa học kỹ thuật, đó là xây dựng nhà màng, nhà lưới, nhưng chi phí cao nên nông dân không phải ai cũng có thể đầu tư. Đa số nông dân TPHCM trồng lan ở quy mô nhỏ, chỉ vài hộ canh tác trên 5ha, nguồn giống nhập từ nhiều nguồn khác nhau làm chất lượng hoa không tương đồng, số lượng trên mỗi giống hoa cũng không đủ cho thị trường nội địa.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hòa, lan là sản phẩm của ngành nông nghiệp kỹ thuật cao nên cần công nghệ bảo quản sau thu hoạch để giữ cho hoa bền, lâu tàn. Để nhân nhanh các giống lan, phương pháp nhân giống bằng nuôi cấy mô đang được các quốc gia trên thế giới áp dụng. Việt Nam cũng có các phòng nuôi cấy mô nhưng ở quy mô nhỏ, chất lượng và số lượng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường, nên nguồn giống chủ yếu là nhập khẩu.
Trong tương lai, ông Hoàng Minh Long, đại diện Hội Sinh vật cảnh TPHCM, đề nghị các sở ngành tiếp tục nghiên cứu giống lan đẹp để đăng ký bản quyền. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần có đội ngũ kỹ thuật hướng dẫn và tổ chức đầu ra cho người trồng hoa. Trước hết, ngành sản xuất hoa lan cần mở rộng sản xuất cung cấp cho thị trường nội địa, sử dụng các giống lai tạo mới, sử dụng hiệu quả các thành tựu của công nghệ sinh học. Kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia tích cực nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm làm động lực cho sự phát triển của ngành.
Ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, kêu gọi và hỗ trợ đầu tư mở rộng năng lực sản xuất giống cấy mô đồng bộ về số lượng và chất lượng, giảm dần tỷ trọng nhập khẩu từ nước ngoài; xúc tiến liên kết với các doanh nghiệp nhân giống từ nước ngoài nhằm giảm áp lực chất lượng giống không đồng đều và giá cả phụ thuộc vào biến động tiền tệ của nước xuất khẩu giống. Với lợi thế có nhiều doanh nghiệp, viện, trường, sở tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu, lai tạo giống; sưu tập, thuần hóa và làm nguồn lai tạo các loài lan rừng đặc hữu của Việt Nam, tiến đến đăng ký bản quyền quốc tế giống lan đã thuần hóa và lai tạo; nghiên cứu thị trường hoa lan nội địa và nước ngoài nhằm xây dựng mối liên kết 4 nhà và chính sách phát triển hoa lan phù hợp, hiệu quả và bền vững.