Phát triển kinh tế tuần hoàn vẫn còn gặp nhiều thách thức

Ngày 2-10, tại TPHCM, Công ty tư vấn kinh tế tuần hoàn CL2B Advisory Việt Nam phối hợp với  tổ chức Vietnam Circular Economy in Action tổ chức hội thảo “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”.

Đại diện Ban tổ chức cho biết, báo cáo về thực trạng và chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) tại Việt Nam cho thấy, Việt Nam bước đầu đã hình thành các thị trường mới về hàng hóa và dịch vụ môi trường, nguyên liệu thứ cấp, các sản phẩm thân thiện môi trường, việc làm xanh, đặc biệt là thị trường vốn cho KTTH. Đến tháng 6-2024, dư nợ tín dụng xanh đã đạt 650,3 nghìn tỷ đồng, với hơn 45% dành cho các dự án năng lượng tái tạo và gần 30% cho nông nghiệp xanh. Những khoản đầu tư này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các sáng kiến KTTH trên nhiều lĩnh vực. Tuy vậy, quá trình hướng đến mục tiêu phát triển KTTH cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định. Chẳng hạn như cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, hành lang pháp lý cho các mô hình này chưa hoàn thiện, nhận thức của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, người dân còn nhiều hạn chế.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng, Viện quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH-ĐT) cho biết, Việt Nam đã định hướng phát triển theo con đường KTTH. Thời gian qua, Chính phủ, ngành Ngân hàng và các bộ, ngành khác cũng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển theo mô hình KTTH. Song, hiện nay, định hướng phát triển KTTH vẫn còn gặp những khó khăn như nguồn tài chính còn thiếu, nhận thức của người dân, doanh nghiệp về KTTH chưa cao. Để phát triển KTTH mạnh mẽ trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoa Cương kiến nghị Chính phủ cần tăng cường hơn nữa các giải pháp nâng cao nhận thức của các địa phương, doanh nghiệp, người dân.

20241002_133811.jpg
Ông Danied Stork, Tổng lãnh sự vương quốc Hà Lan tại TPHCM chia sẻ thông tin tại hội thảo. Ảnh: MINH HẢI

Ông Danied Stork, Tổng lãnh sự vương quốc Hà Lan tại TPHCM cho biết, phát triển theo mô hình KTTH đang là xu hướng chung của thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Để có thể phát triển theo mô hình này, Việt Nam cần xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thực hiện KTTH. Hỗ trợ thúc đẩy áp dụng KTTH trong sản xuất, kinh doanh và tăng cường liên kết, hợp tác với các quốc gia khác. Hà Lan với thế mạnh về công nghệ, cũng như có nhiều kinh nghiệm trong việc thúc đẩy phát triển KTTH luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác, chuyển giao công nghệ để cùng Việt Nam hướng đến mục tiêu phát triển bền vững theo mô hình KTTH.

Tin cùng chuyên mục