Cùng với đó, tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, suy giảm tài nguyên, tiêu thụ năng lượng tăng nhanh, ô nhiễm và suy thoái đất, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang ảnh hưởng nhiều tới phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Làm sao để thực hiện được chủ trương của Chính phủ “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế?”.
Trong bối cảnh này, tìm ra mô hình phát triển phù hợp là rất cần thiết và quan trọng. Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, để giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, chúng ta cần phải thay đổi cách tiếp cận, đó là chuyển đổi từ các mô hình “kinh tế truyền thống” sang “kinh tế tuần hoàn - kinh tế xanh”. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường mà còn ứng phó với BĐKH.
Kinh nghiệm cho thấy, để thực hiện kinh tế tuần hoàn, Ủy ban châu Âu đã kêu gọi sự tham gia của tất cả các bên liên quan, từ các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản và nguyên liệu thô, các nhà chế biến, sản xuất, phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng cho đến người thu gom rác.
Theo ước tính thực tế tại châu Âu, kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra lợi ích 600 tỷ EUR mỗi năm, 580.000 việc làm mới và giúp giảm phát thải khí nhà kính. Nếu như nền kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ ra môi trường, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ, khai thác tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên thì kinh tế tuần hoàn chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra chất thải. Việc tận dụng tài nguyên được thực hiện bằng nhiều hình thức tái chế, tái sử dụng.
Có thể thấy ở Việt Nam, đã có một số biểu hiện của kinh tế tuần hoàn, tuy nhiên, vẫn còn hạn chế trong việc tái chế, tái sử dụng chưa triệt để, công nghệ cũ và lạc hậu… Các chuyên gia đều cho rằng, muốn phát triển kinh tế tuần hoàn, trước hết phải nhận thức đúng về bản chất của kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn dựa trên cơ sở coi chất thải là tài nguyên, giảm thiểu tối đa chất thải sau sản xuất và tiêu dùng, kéo dài tuổi thọ vật chất thông qua thiết kế để tái sử dụng, tái chế chất thải hướng đến phát thải ra môi trường bằng không.
Để phát triển thành công nền kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cần chú trọng thực hiện các giải pháp như phải có một hành lang pháp lý rõ ràng cho hình thành, phát triển kinh tế tuần hoàn; cần hoàn thiện và có lộ trình cụ thể. Trong đó doanh nghiệp là động lực trung tâm của nền kinh tế tuần hoàn, Chính phủ đóng vai trò kiến tạo, hỗ trợ, đề ra chính sách khuyến khích, cộng đồng doanh nghiệp là người chủ động tham gia. Tạo cơ chế để hình thành động lực thị trường dựa trên các tiêu chí của hiệu quả đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp, người dân nhất là khu vực tư nhân đầu tư mạnh mẽ thực hiện phát triển các lĩnh vực thuộc kinh tế tuần hoàn.
Giải pháp trước mắt đối với Việt Nam ngay lúc này là đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn. Phân loại rác tại nguồn phải trở thành yêu cầu bắt buộc, tiêu chí đánh giá văn hóa đối với người dân để góp phần giảm thiểu chất thải nhựa và túi ni lông ra môi trường. Kế đến là khuyến khích phát triển ngành tái chế. Mặt khác, định hướng người tiêu dùng hướng đến tiêu dùng xanh, tiêu dùng thông minh bằng những hành động đơn giản như sử dụng túi thân thiện môi trường, sản phẩm xanh.