Theo Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính liên tục gia tăng, từ khoảng 20 triệu tấn năm 1990 lên 355 triệu tấn CO2 năm 2020. Bên cạnh vấn đề phát thải CO2, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Ô nhiễm nhựa đại dương cũng là một vấn đề được quốc tế công nhận. Bên cạnh đó, rác thải rắn sinh hoạt và nước thải không được thu gom, xử lý tốt đã gây ô nhiễm nguồn nước sông và ô nhiễm nước ngầm tại nhiều nơi.
Tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất của tình trạng biến đổi khí hậu do có đường bờ biển dài khoảng 3.260km và nhiều địa phương có địa thế trũng, thấp. Cụ thể, tình trạng lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, cạn kiệt tài nguyên, mất đa dạng sinh học… đang diễn ra rất phức tạp. Khi nhiệt độ tăng 1,5°C có thể gây ra tổn thất lên tới 4,5% GDP; các sự kiện khí hậu cực đoan khiến Việt Nam thiệt hại khoảng 1 tỷ USD/năm.
PGS-TS Nguyễn Văn Thành cho biết thêm, bối cảnh hiện nay đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực, khi đất nước hội nhập khu vực, quốc tế ngày càng sâu rộng. Việt Nam cần có đội ngũ chuyên gia chất lượng về biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước, xử lý nhiễm mặn, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Để thúc đẩy xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn lấy con người làm trung tâm, PGS-TS Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người khuyến nghị, với cụ thể từng lĩnh vực, Chính phủ cần tham gia bằng cách đưa ra các chính sách mới và khuyến khích sự phát triển kinh tế tuần hoàn. Các chính sách này song song với công nghệ xanh sẽ giúp cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, thúc đẩy hệ thống quản lý chất thải tốt hơn, lượng khí thải carbon thấp hơn, tăng nguồn năng lượng tái tạo.