Động lực để phát triển
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ coi kinh tế số là động lực quan trọng để đưa Việt Nam tiến nhanh, đi tắt trong phát triển. Do đó, Bộ TT-TT phải đặt vấn đề phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nói chung và doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nói riêng là định hướng quan trọng để xây dựng Việt Nam thành nước công nghệ phát triển.
Việc Thủ tướng gợi ý Bộ TT-TT nghiên cứu về tên gọi mới được cho là xuất phát với hàm ý trên. Trong các nhiệm vụ giao cho Bộ TT-TT trong năm 2020, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Bộ TT-TT trong việc xây dựng được cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm nền tảng để phát triển nền kinh tế số.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ TT-TT phải trình Chính phủ ban hành chỉ thị về chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ngay trong tháng 1-2020.
Theo Thủ tướng, chương trình “Make in Vietnam” là một định hướng lớn, là tuyên bố về sự chuyển dịch từ gia công sang làm chủ và sáng tạo về công nghệ.
Các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) phải đi đầu trong chiến lược “Make in Vietnam”, là điều Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu ra và Thủ tướng cho biết rất ủng hộ định hướng này.
Một trong những mục tiêu quan trọng của Bộ TT-TT trong năm 2020 là đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng chính phủ điện tử trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Kinh tế số được xem là “kết quả” của quá trình chuyển đổi số từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã và đang diễn ra mạnh mẽ.
Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Vũ Đại Thắng, “kinh tế số” được hiểu là toàn bộ hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số hóa và Bộ KH-ĐT sẽ xây dựng những chiến lược về kinh tế số và CMCN 4.0 dựa trên khái niệm này.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho rằng, kinh tế số là một phần của nền kinh tế, trong đó bao gồm các mô hình kinh doanh tạo ra sản phẩm, dịch vụ số hoặc hỗ trợ cung cấp dịch vụ số cho doanh nghiệp. Phát triển kinh tế số là sự hội tụ hàng loạt công nghệ mới (điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn...), cho phép doanh nghiệp xử lý khối lượng công việc lớn, đưa ra quyết định thông minh hơn. Điều này cũng đồng nghĩa, phân tích dữ liệu lớn tạo ra cấp độ mới trong phát triển kinh tế số.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng thì cho rằng, phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng...
Qua việc sử dụng công nghệ, các sản phẩm dịch vụ được phản ánh từ người sử dụng để có thể điều chỉnh cho phù hợp.
Bên cạnh đó, cũng có thể sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những sản phẩm hoàn toàn mới như Grab, Uber, Airbnb… Sự hình thành và phát triển những công ty, doanh nghiệp công nghệ số sẽ có vai trò quyết định trong mô hình phát triển kinh tế số của Việt Nam.
Giải bài toán nhân sự
Có thể thấy rằng, nhận thức về tầm quan trọng của CMCN 4.0, việc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số… ở Việt Nam hiện nay cơ bản đã hình thành ở cấp vĩ mô. Nhưng ở vi mô, cách thức điều hành, thực hiện còn nhiều vấn đề bất cập.
Thủ tướng gợi ý Bộ TT-TT nghiên cứu đổi tên thành Bộ Truyền thông và Kinh tế số, tức là có ý giao cho bộ này quản lý, điều hành về kinh tế số. Nhưng, ở Bộ Công thương hiện có Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cũng đang thực hiện những chức năng tương tự về kinh tế số.
Việc quản lý, điều hành chính sách kinh tế số giữa 2 cơ quan nhà nước này sẽ diễn ra như thế nào, nếu gợi ý của Thủ tướng thành hiện thực? Đó là chưa kể việc điều hành hoạt động kinh tế nói chung còn liên quan đến Bộ Tài chính; nếu đó là doanh nghiệp KH-CN, còn liên quan đến Bộ KH-CN… Câu chuyện phối hợp giữa các bộ, ngành để quản lý dịch vụ xe công nghệ Grab là một ví dụ điển hình.
Theo Bộ TT-TT, CMCN 4.0 là cuộc cách mạng số nhưng nhân lực chất lượng cao trong các ngành CNTT, kỹ thuật máy tính, tự động hóa… của Việt Nam đang quá ít. Theo dự báo nhu cầu nhân lực CNTT tăng thêm 47% mỗi năm, trong khi đó, số sinh viên ngành CNTT ra trường lại chỉ tăng 8%/năm.
Trong số nhân lực ấy, không phải tất cả đều có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Một nghiên cứu mới đây cho thấy, có tới 72% sinh viên ngành CNTT không có kinh nghiệm thực hành, 42% sinh viên thiếu kỹ năng làm việc nhóm. Điều này đồng nghĩa với vấn đề nhân lực cho quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số ở Việt Nam là một bài toán lớn, chưa thể giải ngay được.
Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị (ban hành ngày 27-9-2019) về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0 đã định hướng cho chuyển đổi số Việt Nam, trong đó đặt ra mục tiêu kinh tế số chiếm tới 30% GDP vào năm 2030.
Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, muốn đạt được mục tiêu này, phải đổi mới tư duy, tạo thuận lợi cho cái mới phát triển, các giải pháp phải đột phá. Chuyển đổi số để tiến tới kinh tế số và xã hội số đó là môi trường tốt nhất cho đổi mới sáng tạo.
Năm 2020, ngành TT-TT xác định là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động mạnh mẽ để tiến tới một Việt Nam số. Đây sẽ là một sự chuyển đổi sâu sắc và toàn diện, mà đầu tiên là sự chuyển đổi về phương thức, quy trình vận hành, về cách làm việc trong mọi lĩnh vực; trong đó có phát triển kinh tế số Việt Nam.
CMCN 4.0 là nền tảng để nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức, nền kinh tế số; làm thay đổi cơ bản khái niệm đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất. Đối với Việt Nam, từ trước đến nay, nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào các ngành sử dụng lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên, trình độ của người lao động còn lạc hậu. Đây là một trong những thách thức lớn nhất khi đối diện với cuộc CMCN 4.0. |