Sáng nay, 25-11, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “Phát triển kinh tế số (KTS) Việt Nam trong thời kỳ hậu Covid-19: Một số yêu cầu và lộ trình cải cách thể chế”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình Cải cách Kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tài trợ.
Tại hội thảo, các ý kiến ghi nhận, trong nỗ lực tìm kiếm động lực mới cho tăng trưởng, Việt Nam đã chủ động tiếp cận cơ hội từ KTS nói chung và thương mại điện tử nói riêng cho tăng trưởng kinh tế.
Theo ThS. Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), quá trình hoạch định chính sách cũng như thực tiễn phát triển KTS của Việt Nam về cơ bản trong tư duy phát triển thể hiện sự nhất quán với kinh nghiệm quốc tế. Thứ nhất, hành lang chính sách phát triển KTS được xây dựng và hoàn thiện theo hướng mở, hỗ trợ doanh nghiệp. Thứ hai, Chính phủ nói riêng và khu vực kinh tế nhà nước nói chung đã giữ vai trò động lực quan trọng trong thúc đẩy phát triển KTS phát triển. Thứ ba, quyết tâm chuyển đổi số, cũng như tinh thần đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp được thể hiện khá rõ nét.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chuyển đổi số của nền kinh tế phải đảm bảo sự song hành giữa Chính phủ và doanh nghiệp; đồng thời phải đủ bao trùm đối với các địa bàn khó khăn và các nhóm yếu thế như phụ nữ, người dân ở khu vực miền núi. Do vậy, thời gian tới, Việt Nam cần cân nhắc một số nhóm giải pháp như: bảo đảm môi trường an toàn, an ninh mạng song song với tạo thuận lợi cho KTS; hoàn thiện chính sách cạnh tranh đối với KTS; bổ sung, sửa đổi các quy định về thuế để điều chỉnh các hoạt động trên nền tảng số. Bên cạnh đó, cần tăng cường hiệu lực bảo hộ sở hữu trí tuệ, đặc biệt gắn với thực hiện các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP); điều chỉnh các quy định liên quan đến thị trường lao động và an sinh xã hội trong bối cảnh số và phát triển hạ tầng số.