Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt niềm tin chính trị vào nơi đây, khởi đầu cho sự nghiệp kháng chiến hào hùng và cách mạng đã thành công. Ngày nay, chúng ta sẽ quyết tâm tìm ra những đòn bẩy chiến lược phát triển kinh tế của Cao Bằng để khai thác một thị trường lớn liền kề là tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) quy mô GDP trên 350 tỷ USD. Cao Bằng đang có tốc độ tăng trưởng rất cao và khả năng kết nối với các tỉnh, thành trong nước, khối ASEAN, với thuận lợi là 333km đường biên giới, với 1 cửa khẩu quốc tế và 3 cửa khẩu quốc gia”.
Thủ tướng cho rằng, Cao Bằng cần tập trung vào 3 hướng đi chính: dịch vụ du lịch; nông nghiệp, lâm nghiệp chế biến; ứng dụng công nghệ cao và kinh tế cửa khẩu. Trong đó, về du lịch cần phát huy giá trị Công viên địa chất Non nước Cao Bằng mới được công nhận; những giá trị của thác Bản Giốc, núi Các Mác, suối Lênin, rừng Trần Hưng Đạo... Còn trong nông nghiệp, cần đẩy mạnh phát triển các đặc sản nổi tiếng của Cao Bằng như: nếp hương Xuân Trường, cam Trưng Vương, quýt Hà Trì, lê Đông Khê, bưởi Phục Hòa, hạt dẻ Trùng Khánh, bò và gà xương đen của đồng bào Mông, lợn đen Táp Ná, ngựa Nước Hai, chó lùn Bảo Lạc...
Đặc biệt, phát triển mạnh mẽ kinh tế cửa khẩu, kết nối với thị trường Trung Quốc rộng lớn và tiềm năng, bởi hàng hóa từ Cao Bằng đi Nam Ninh (thủ phủ của Quảng Tây) chỉ có 180km - bằng 1/2 quãng đường về Hà Nội. “Chúng ta thực hiện nghiêm túc nguyên tắc thúc đẩy hòa bình, hợp tác cùng phát triển, hai bên cùng có lợi và tôn trọng chủ quyền của nhau. Cần đề cao hợp tác thương mại xuyên biên giới, đặc biệt là với thị trường đông dân nhất thế giới. Cao Bằng phải thấy được cơ hội chiến lược của mình trong đó” - Thủ tướng nói và đề nghị các nhà đầu tư cam kết không gây ô nhiễm môi trường, không phá vỡ các giá trị văn hóa truyền thống và lịch sử, không sử dụng lao động bất hợp pháp, không trốn thuế, vì sự phát triển của Cao Bằng, trong đó có lợi ích lâu dài của chính nhà đầu tư.
Dịp này, tỉnh Cao Bằng trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 14 dự án với tổng số vốn hơn 3.580 tỷ đồng; đồng thời cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước trao 16 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 28.500 tỷ đồng…
Trước đó, tối 24-11, tại tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và công bố di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng biên giới năm 1950 (huyện Thạch An) là di tích quốc gia đặc biệt. Như vậy, Non nước Cao Bằng trở thành Công viên địa chất toàn cầu thứ 2 ở Việt Nam, sau Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) và là công viên địa chất toàn cầu thứ 8 của Đông Nam Á.