Tại diễn đàn, lãnh đạo Bộ TN-MT đã thông tin về kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam theo Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Qua đó, đưa ra các nhóm nhiệm vụ trước mắt cần tập trung thực hiện, như: kiến tạo môi trường chính sách cho kinh tế biển, hoàn thiện quy hoạch không gian phát triển, hạ tầng, đầu tư khoa học công nghệ, nguồn lực, hợp tác quốc tế…
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, thiếu bền vững. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do diễn biến cực đoan của biến đổi khí hậu, còn có các nguyên nhân chủ quan, như: tổ chức bộ máy quản lý về phát triển bền vững kinh tế biển còn bất cập; nguồn lực thực hiện các chủ trương, giải pháp đột phá chưa được bố trí phù hợp…
Qua đây, ông Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu, chuyên gia cần tập trung thảo luận đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân việc thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, từ đó kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những giải pháp trong thời gian tới.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP), kêu gọi Việt Nam nên phát triển kinh tế biển xanh gắn với cộng đồng, thiên thiên; tập trung khai thác năng lượng tái tạo biển như điện gió trên biển; nên giảm cường độ khai thác thủy sản xuống 2,7 triệu tấn/năm (giảm 2%/năm đến 2030).
Bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh, nếu như phát triển theo kịch bản kinh tế biển xanh thành công, không chỉ tạo ra nền tảng phát triển bền vững trong tương lai, GDP tăng trưởng cao mà còn giúp Việt Nam giảm bớt các chi phí để khắc phục tác động môi trường, chống biến đổi khí hậu...