Để Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh trong giai đoạn mới, cần có tư duy đổi mới, đột phá, phù hợp với xu thế chung toàn cầu về phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn biển; giải quyết ô nhiễm môi trường biển, thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Trong đó, xây dựng nền kinh tế biển xanh trên nền tảng tri thức, sáng tạo và tiềm năng tự nhiên đóng vai trò trung tâm.
Với bờ biển dài 3.260km từ Bắc xuống Nam, trung bình mỗi 100km2 diện tích lãnh thổ thì Việt Nam có gần 1km chiều dài bờ biển. Ngoài ra, Việt Nam còn có hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng hơn 1 triệu km2, cùng 28 tỉnh, thành phố ven biển. Đây là chỉ số thuộc loại cao hàng đầu của thế giới, góp phần khẳng định Việt Nam thực sự là quốc gia biển và có nhiều tiềm năng, lợi thế từ biển.
Theo Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2007-2017, đóng góp của 28 tỉnh, thành phố ven biển trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) luôn đạt trên 60%, trong đó đặc biệt nổi bật là vai trò của các khu kinh tế, khu công nghiệp, các cơ sở công nghiệp quan trọng ven biển. Các ngành kinh tế thuần biển luôn có đóng góp lớn vào GDP trong suốt hơn 10 năm qua, với ước tính đạt khoảng 10% mỗi năm.
Tuy nhiên, những kết quả thu được từ kinh tế biển vẫn chưa được như kỳ vọng, tương xứng với tiềm năng hiện có. Nhất là trong bối cảnh nguồn tài nguyên trên đất liền hiện đang bị khai thác quá mức, thậm chí là cạn kiệt. Vẫn còn tồn tại một số bất cập trong quá trình khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên này.
Có thể thấy, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường biển chưa được gắn kết chặt chẽ, trong một số trường hợp còn tạo ra xung đột. Môi trường biển của các vùng biển ở Việt Nam chưa được bảo đảm do chúng ta chưa thể hài hòa giữa khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển với bảo vệ, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái biển, ven biển.
Ô nhiễm môi trường biển có lúc có nơi vẫn còn diễn ra nghiêm trọng như sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung. Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách. Một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức, đa dạng sinh học suy giảm. Công tác ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn hạn chế.
Nhiều ý kiến cho rằng, để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì việc phát triển nền kinh tế biển xanh là việc làm cần thiết, một hướng đi mới trong phát triển bền vững.
Nếu Việt Nam không sớm thay đổi tư duy kinh tế thì chắc chắn sẽ gặp nhiều hệ quả không mong muốn, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu và nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt như hiện nay.
Chính vì vậy, để phát triển kinh tế biển nhanh, hiệu quả và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì đầu tư phát triển kinh tế biển xanh là hướng đi tất yếu. Việt Nam cần chuyển đổi từng bước kinh tế biển từ “nâu” sang “xanh” để bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Chia sẻ về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, trong những năm qua, kinh tế biển của Việt Nam đã có những thành tựu đáng kể, song vẫn ẩn chứa nhiều nguy cơ, thách thức. Việc phát triển kinh tế biển ở một số nơi, một số khu vực đã gây ra ô nhiễm môi trường khu vực ven bờ, các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm.
Một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn nhiều hạn chế… Để hạn chế tình trạng ô nhiễm biển và đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, chúng ta cần đẩy mạnh công tác bảo tồn sinh vật dưới biển, bảo vệ môi trường biển.
Đồng thời, con người phải biết cách khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên dưới biển; xen kẽ đánh bắt và nuôi trồng. Bên cạnh đó, cũng cần phải đẩy mạnh công tác xây dựng năng lực giám sát, quan trắc, giảm thiểu và xử lý các thảm họa thiên tai, sự cố môi trường biển, ven biển và hải đảo.