Cực tăng trưởng mới
Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài có vị trí chiến lược và là cửa ngõ giao thương quan trọng giữa Việt Nam và Campuchia. Nhờ vị trí này, khu kinh tế Mộc Bài không chỉ góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế với các nước ASEAN, mà còn có khả năng kéo dẫn đầu tư từ các doanh nghiệp quốc tế.
Theo nghị quyết nêu trên, khu kinh tế Mộc Bài sẽ tập trung phát triển các ngành kinh tế chủ lực như công nghiệp chế biến, logistics, thương mại và dịch vụ. Cùng với đó, khu vực này sẽ được quy hoạch để trở thành một đô thị hiện đại, cung cấp đầy đủ các tiện ích về giao thông, hạ tầng xã hội, nhà ở và dịch vụ.
Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã chỉ rõ mục tiêu chiến lược là thúc đẩy phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trở thành vùng động lực mới, cực tăng trưởng phát triển kinh tế có tầm cạnh tranh với khu vực và quốc tế; là đầu mối giao thương quan trọng của vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giữa Việt Nam với Campuchia và khu vực ASEAN; là trung tâm dịch vụ cửa khẩu, cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistic; là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ biên giới đất liền tại vùng Đông Nam bộ.
Trong tương lai, khu vực này sẽ phát triển khu kinh tế theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, đô thị xanh - sạch, thông minh, bền vững, có bản sắc dân tộc trong hội nhập, kết nối quốc tế; nâng cao hiệu quả sử dụng đất và chất lượng cuộc sống; bảo vệ, phát triển bền vững với môi trường; tiến tới hoàn thành các chiến lược của quốc gia, vùng Đông Nam Bộ và tỉnh về công nghiệp, đô thị, du lịch, nông nghiệp.
Đáng chú ý, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài phải đáp ứng yêu cầu mới trong chiến lược đảm bảo nhiệm vụ, mục tiêu quốc phòng - an ninh; phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ gìn an ninh trật tự vùng biên giới, khắc phục vấn đề tồn tại về phát triển biên mậu, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội và đảm bảo vùng biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển đồng bộ, hài hòa, bền vững.
Phát triển đa ngành, đa lĩnh vực
Theo Đồ án quy hoạch chung, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài có tính chất là tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với các chức năng công nghiệp - đô thị - thương mại - dịch vụ - du lịch và nông - lâm nghiệp gắn với các hoạt động đối ngoại của quốc gia, giao lưu kinh tế, văn hóa và quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam, Campuchia và khu vực ASEAN.
Về định hướng phát triển không gian, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài phát triển theo mô hình hỗn hợp là tập trung – đa cực trung tâm với cấu trúc 3 khu vực trung tâm, 3 trục không gian kết nối hướng Đông – Tây và 3 hành lang chức năng hướng Bắc – Nam... Cấu trúc không gian cũng được định hướng phát triển đô thị mới Bến Cầu là đô thị đặc thù với không gian đô thị là vùng nội thị thị xã (thuộc phạm vi khu kinh tế) kết hợp với chức năng (các trung tâm cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu phụ và các khu công nghiệp) được liên kết đồng bộ qua các hành lang giao thông chính…
Thiết kế đô thị và định hướng kiến trúc cảnh quan hiện đại, dựa trên cấu trúc cảnh quan sinh thái tự nhiên phù hợp với đặc điểm hoạt động của các khu đô thị, công nghiệp và khu sinh thái ven sông; xây dựng các công trình, bố trí tầng cao theo các tuyến địa hình khuyến khích các mô hình nhà ở sinh thái, công trình xanh, thông minh và tiết kiệm năng lượng...
Để phát triển đa lĩnh vực, quy hoạch chung cũng dự báo quy mô phát triển các chức năng, quy mô dân số, số lượng khách, lao động và các nhu cầu về sử dụng đất đai, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chính, cụ thể: Đến năm 2030, quy mô dân số khoảng 105.000 - 155.000 người trong đó đô thị Bến Cầu khoảng 70.000 - 85.000 người, khu vực Trảng Bàng khoảng 35.000 - 50.000 người; dân số quy đổi khoảng 20.000 người; đến năm 2045 có khoảng 310.000 người trong đó đô thị Bến Cầu khoảng 195.000 người, khu vực Trảng Bàng khoảng 65.000 người; dân số quy đổi khoảng 50.000 người.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh, trước mắt, để thúc đẩy phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh đã ban hành Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa xuất nhập khẩu và thương mại trong tỉnh, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin, phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Tính đến nay, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã thu hút được 59 dự án đầu tư; trong đó, có 25 dự án vốn nước ngoài và 34 dự án có vốn đầu tư trong nước. Tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 457,78 triệu USD và 8.502 tỷ đồng. Hiện tại, có 33 dự án đang triển khai hoạt động gồm 12 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 21 dự án có vốn đầu tư trong nước; tạo việc làm ổn định cho 10.460 lao động.