Phát triển không gian sáng tạo cho thành phố sáng tạo

Trong sự phát triển của kinh tế sáng tạo toàn cầu, không gian sáng tạo là một trong những nguồn lực để xây dựng và phát triển thành phố sáng tạo. Các không gian này kết nối giữa văn hóa - nghệ thuật, kinh doanh và công nghệ, giới thiệu các tài năng, ý tưởng sáng tạo đến với công chúng; tạo ra không gian mở cho mọi người được tham gia, tạo ra việc làm mới và các sản phẩm, dịch vụ thỏa mãn cả yếu tố xã hội và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Hiểu về không gian sáng tạo

Nhìn từ bên ngoài, các không gian sáng tạo có thể là một quán cà phê, phòng tranh, sân khấu ca nhạc, không gian làm việc chung (co-working space), thư viện, studio, trang web, trường học, nơi lưu trú nghệ thuật... Từ bên trong, các không gian này thực hiện nhiều hoạt động như: sản xuất, trưng bày và bán các sản phẩm/dịch vụ sáng tạo; tổ chức các sự kiện để thúc đẩy sáng tạo và phát triển tài năng sáng tạo; gây quỹ; triển khai các dự án phát triển cộng đồng; chia sẻ kiến thức và kỹ năng qua tọa đàm, hội thảo, lớp học; tạo cơ hội tiếp cận lĩnh vực sáng tạo cho nhiều đối tượng…

cn1a-8602.jpg
Không gian làm việc chung Toong - nơi kết hợp giữa không gian làm việc và các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Ảnh: TOONG

Khái niệm không gian văn hóa sáng tạo, hay không gian sáng tạo xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2014, dần được chấp nhận và trở nên phổ biến từ khoảng năm 2016 trở lại đây. Các không gian sáng tạo trong nước đang phát triển mạnh, từ 40 không gian vào năm 2014, hiện ước tính vào cuối năm 2023 là khoảng trên 200. Mối quan tâm đến các không gian sáng tạo từ các tập đoàn hay công ty lớn cũng có chiều hướng càng gia tăng như: VinGroup, SunGroup, Sovico, Flamingo Group…

Tuy nhiên, hiện tại khái niệm cụ thể về không gian sáng tạo vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Hiện định nghĩa tương đối được nhiều người trong giới đồng tình (do Hội đồng Anh đưa ra) là: “Không gian sáng tạo là một địa điểm, có thể là địa điểm thực hoặc địa điểm trực tuyến, là nơi đem những con người sáng tạo đến với nhau. Đó là nơi tụ họp, chia sẻ không gian và hỗ trợ cho các hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh và thu hút cộng đồng trong các lĩnh vực sáng tạo, văn hóa và công nghệ”.

Xuất hiện vào cuối năm 2021, tổ hợp không gian sáng tạo Ươm Art Hub (quận Bình Thạnh, TPHCM) trở thành điểm đến của giới trẻ hoạt động và khởi nghiệp liên quan đến các ngành nghề trong lĩnh vực sáng tạo. Không gian Xôn Xao Studio trong tổ hợp Ươm Art Hub được biết đến là nơi của những nhà thiết kế trẻ trong lĩnh vực đồ họa. Huỳnh Minh Thống (sáng lập Xôn Xao Studio) chia sẻ: “Với những người trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực liên quan đến thiết kế sáng tạo, không gian ở Ươm sẽ giúp người mới bắt đầu thêm tự tin hơn, vì ở đây có thể tìm được những đồng nghiệp cùng ngành hoặc chuyên ngành liên quan để hỗ trợ nhau trong công việc. Vì thiết kế là lĩnh vực thay đổi liên tục theo xu hướng thị trường, không gian dành cho những người làm việc sáng tạo sẽ giúp hỗ trợ ý tưởng, thậm chí cùng lên ý tưởng để tạo ra xu hướng mới cũng rất hay”.

Bên cạnh không gian thực tế, không gian sáng tạo trực tuyến tiên phong trong cả nước là Hanoi Grapevine, thu hút 37.000 khán giả theo dõi trên mạng xã hội và ủng hộ các sự kiện văn hóa nghệ thuật diễn ra trên khắp Việt Nam. Thành lập từ năm 2007 cho đến nay, Hanoi Grapevine đã phát triển đa dạng, từ một nền tảng chia sẻ thông tin đã mở rộng hơn với các dự án hỗ trợ kiến thức quản lý văn hóa nghệ thuật và kỹ năng truyền thông cho các cá nhân, tổ chức văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam, cả khu vực tư nhân và khu vực công.

cn3-tieu-deim-8839.jpg
Thiếu nhi tham gia vui chơi kết hợp sáng tạo nghệ thuật tại không gian sáng tạo Ươm Art Hub

Còn chờ thủ tục pháp lý

Trong bối cảnh các ngành công nghiệp văn hóa hình thành và tăng tốc tại Việt Nam, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nhìn nhận, các không gian sáng tạo đang đóng vai trò như là “những ngọn hải đăng”, hay nói cách khác là động lực thúc đẩy sự phát triển về kinh tế, văn hóa - xã hội; nơi cung cấp nguồn lực sáng tạo; nơi các tổ chức, cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức cơ quan ngoại giao và phi chính phủ có thể tìm kiếm những tài năng nổi trội để hợp tác, chia sẻ và trao đổi chuyên môn, trải nghiệm những sản phẩm và dịch vụ sáng tạo.

Tuy đem lại nhiều tác động tích cực, nhưng các không gian sáng tạo trong nước đang gặp phải không ít khó khăn, nhất là bối cảnh các ngành công nghiệp văn hóa vẫn đang hình thành và phát triển. Khung pháp lý cho những hoạt động sáng tạo vẫn còn rất mới, đang phải đi từng bước một để hoàn thiện.

Bà Trương Uyên Ly, nhà nghiên cứu về Không gian sáng tạo tại Việt Nam, chia sẻ: “Hiện nay, không có tư cách pháp lý đặc thù nào dành cho những không gian văn hóa sáng tạo. Dưới hệ thống thuế và Luật Doanh nghiệp, họ có thể là “hộ kinh doanh”, “công ty trách nhiệm hữu hạn”, “công ty cổ phần”, trong khi với cộng đồng, họ quảng bá cho mình như một tổ chức phi lợi nhuận, một tổ chức giáo dục, một tập hợp các nghệ sĩ, một không gian làm việc chung”.

Bên cạnh đó, thuế thu nhập doanh nghiệp và hạn mức chi nhà nước thấp gây cản trở trong hợp tác công tư ở các không gian sáng tạo hiện nay. “Các không gian thực hiện nghĩa vụ nộp thuế giống như bất kỳ các doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh. Trong khi trên thực tế, nhiều không gian đang hoạt động phi lợi nhuận, hoặc hợp tác, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho các cơ quan tổ chức nhà nước với định mức rất thấp so với giá thị trường, đã vậy lại còn phải đóng các loại thuế và phí. Đa số không gian hoạt động phi lợi nhuận, hoặc đối với các không gian có tính nghiên cứu phát triển và thử nghiệm, việc đóng thuế như doanh nghiệp là một thách thức rất lớn”, bà Trương Uyên Ly phân tích thêm.

Nhiều người trong giới cũng nhìn nhận, các không gian sáng tạo hiện nay đều thiếu sự điều tiết nguồn lực liên ngành từ phía Chính phủ. Và một thách thức lớn bao trùm các không gian sáng tạo và công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam là hệ thống quản lý phân tách theo ngành dọc. Trong khi thực tế phát triển của công nghiệp văn hóa là sự kết hợp đa liên bộ ngành theo chiều ngang và đan chéo nhau, trong đó đổi mới và công nghệ là công cụ kết nối mạnh mẽ.

Có thể thấy, các không gian sáng tạo ở Việt Nam đã trải qua thời kỳ đầu tự phát, bắt đầu bước sang hoạt động bài bản có tổ chức, hoàn toàn có đủ năng lực và kinh nghiệm để hợp tác ở cấp độ thành phố, quốc gia và quốc tế nhằm tạo ra sức mạnh lớn hơn. Việc chú trọng chính sách, khung hành lang pháp lý và trợ lực cho không gian sáng tạo là cần thiết, để từng bước các ngành công nghiệp văn hóa trong nước được nâng tầm, mang lại những con số cụ thể, hiệu quả đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc gia.

* TS PHẠM LAN HƯƠNG, Trường Đại học Văn hóa TPHCM: Tạo điều kiện hiện thực hóa cảm hứng sáng tạo

Bên cạnh những hiệu quả về nghệ thuật, kinh tế và xã hội, dưới góc độ giáo dục, dự án “Factories as studio” (được thực hiện từ năm 2016 bởi Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Sydney, Australia) và “Manufacturing Creativity” (do Đại học Sydney và Văn phòng UNESCO Hà Nội thực hiện từ năm 2018-2019), đã mở ra những không gian mới, trong môi trường công nghiệp văn hóa.

Đó là không gian của sự khám phá, tương tác và sáng tạo. Không gian mới này hỗ trợ thử nghiệm, tạo điều kiện hiện thực hóa cảm hứng sáng tạo cho các sinh viên và nghệ sĩ; giảm đi trăn trở về việc ứng dụng những bài học khô khan, hay môi trường thực hành chỉnh trang quá đỗi quen thuộc để tìm đến sự đa dạng với nhiều cung bậc khác nhau của cuộc sống. Từ việc tiếp cận 2 dự án trên cho thấy, không gian sáng tạo phải bao hàm đầy đủ 3 tiêu chí: kết nối, sáng tạo và có định hướng kinh doanh.

* Bà TRƯƠNG UYÊN LY, nhà nghiên cứu Không gian sáng tạo tại Việt Nam: Rào cản từ nhận thức sức mạnh công nghiệp văn hóa

Hiện nay, việc nhận thức về sức mạnh của công nghiệp văn hóa và các đặc thù của không gian văn hóa sáng tạo trong tổng thể kinh tế sáng tạo còn chưa đồng đều giữa các cơ quan, giữa các địa phương. Bên cạnh đó, việc đánh giá, thẩm định các sản phẩm/tác phẩm văn hóa nghệ thuật không tránh khỏi yếu tố “cảm tính”. Thời gian đánh giá cũng thường gấp gáp, khiến cho cá nhân, tổ chức sáng tạo thường bị động và không có đủ thời gian để truyền thông quảng bá tối đa cho sản phẩm, dịch vụ của mình.

Tin cùng chuyên mục