Là một trong những diễn giả tham gia tọa đàm về Tương lai của năng lượng, GS Gerard Albert Mourou, chủ nhân giải Nobel Vật lý 2018, cho rằng, các quốc gia đang tìm mọi phương án để tìm nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Trong phát triển năng lượng hạt nhân, kim loại phóng xạ thorium dồi dào hơn nhiều so với uranium và sẽ là một công nghệ hữu ích có thể thay thế nguồn dự trữ uranium đang bắt đầu suy giảm. Trong khi đó, theo GS Richard Henry Friend, Đại học Cambridge (Anh), khoảng 10 năm trước, chi phí loại năng lượng có giá rẻ nhất là điện than, điện hạt nhân và năng lượng gió nhưng hiện tại, điện mặt trời đã giảm nhanh chi phí.
Trong phần tọa đàm Tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI), TS Bùi Hải Hưng, Viện Nghiên cứu VinAI Research (Vingroup), cho biết, trong 5-10 năm qua, AI đã đi sâu vào nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều ứng dụng khác nhau. Xe tự hành ứng dụng AI giúp con người lái xe an toàn hơn. GS Jennifer Tour Chayes, Đại học Berkeley (Mỹ), cho rằng, trong y học hiện đại, khó chẩn đoán sớm nếu không có AI. AI giúp giải mã hình ảnh chụp phim phát hiện nguy cơ ung thư, nếu không can thiệp sớm thì nguy hiểm với người bệnh. Trong một số trường hợp, AI còn vượt qua chuyên gia trong phát hiện và hỗ trợ đa kênh hơn trong việc ra quyết định.
Trong phiên tọa đàm Tương lai của sức khỏe toàn cầu, TS Katalin Kariko, Công ty Công nghệ sinh học BioNTech SE, Trường Y thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ), “mẹ đẻ” công nghệ vaccine mRNA (đang dùng sản xuất vaccine Moderna và Pfizer phòng Covid-19) cho biết, mRNA là công nghệ có thể ứng dụng nhiều sản phẩm khác giúp chúng ta ứng dụng nhiều loại vaccine khác nhau. Các nghiên cứu gần đây về mRNA có thể giúp nhân rộng vaccine để giải quyết các biến thể khác nhau. Công nghệ mRNA chính là để giải quyết vấn đề sức khỏe cho con người.