Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng phát triển vùng ĐBSCL

Ngày 15-12, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL nhanh và bền vững”.
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt và Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn tham quan các gian hàng trưng bày tại hội thảo

Hội thảo có sự tham gia của 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL, với mục tiêu đề xuất các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo tại vùng, nhằm phục vụ phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm của vùng góp phần phát triển kinh tế – xã hội.

Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng: Vùng ĐBSCL là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á và thế giới, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam; hàng năm, vùng đóng góp hơn 20% GDP, giữ vai trò số một của quốc gia trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ KH-CN nhìn nhận, tổng thể kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có. Đặc biệt, chưa có sự chuyên môn hóa, ít sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp, thiếu tính bền vững. Công tác đào tạo nguồn nhân lực và đưa các ứng dụng KH-CN vào giải quyết các vấn đề thực tiễn còn nhiều hạn chế.

Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng phát triển vùng ĐBSCL ảnh 2 Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội thảo

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, để vùng ĐBSCL phát triển xứng tầm và theo kịp với các khu vực khác cần đẩy mạnh lĩnh vực KH-CN và đổi mới sáng tạo, đây được xem là nền tảng để phát triển kinh tế – xã hội của vùng.

Cụ thể, vùng cần đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thành tựu KH-CN vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển nông thôn trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của vùng.

Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, tìm kiếm, lựa chọn, tiếp nhận công nghệ; thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp, viện, trường theo hướng đặt hàng, chuyển giao công nghệ; cơ cấu lại các chương trình, nhiệm vụ KH-CN theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cao, nâng cao chất lượng và số lượng nguồn cung hàng hóa KH-CN trên thị trường.

Tin cùng chuyên mục