Phát triển nông nghiệp thông minh
Trong buổi giám sát ngày 20-5 của Sở NN-PTNT TPHCM về tình hình phát triển nông nghiệp trên địa bàn, theo UBND huyện Nhà Bè, thời gian qua, ngành nông nghiệp của huyện đã bước đầu chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị. Tuy nhiên, nhìn chung tốc độ tăng trưởng còn chậm, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn ít, quy mô tương đối nhỏ, chưa có nhiều mô hình hiệu quả trong nông nghiệp đô thị để nhân rộng.
Bên cạnh đó, giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế của huyện và liên tục giảm; năm 2016 chiếm 2,9% đến năm 2020 chiếm 1,9%. Trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 24 tỷ đồng, chiếm 1,78% tổng giá trị sản xuất của các ngành kinh tế của huyện.
Để khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM đề nghị, huyện cần tiếp tục quan tâm quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp; phải tập trung vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh giống mới, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất; thực hiện các chính sách hỗ trợ; duy trì mô hình HTX nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp; quan tâm phát triển nguồn nhân lực…
Đặc biệt, khuyến khích các hộ dân đầu tư nuôi trồng các cây trồng, vật nuôi ngắn hạn mang lại giá trị kinh tế cao và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất các loại giống mới…
Ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè chia sẻ, tương lai, huyện sẽ chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp phù hợp với diện tích nhỏ. Đặc biệt, ưu tiên những nông dân, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ, nhưng cần phải theo quy hoạch chung của TPHCM, phù hợp với tình hình của huyện. Giai đoạn 2020-2025, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 50%, năm 2030 đạt 90%, đến năm 2045 cơ bản đạt 100%. Với hiện trạng nông nghiệp trên huyện khoảng 4.000ha, tương lai sẽ giảm còn chỉ còn khoảng 200ha diện tích đất chủ yếu nông nghiệp công nghệ cao.
Trước mắt, huyện khuyến khích sản nông nghiệp công nghệ cao trên những khu đất đang quy hoạch mà chưa triển khai thực hiện dự án. Về lâu dài, triển khai đúng theo quy hoạch chỉ còn 200ha với sản phẩm như rau hữu cơ, nấm mối đen, tôm nước lợ, cua lột và sản xuất giống. Để thực hiện được, huyện sẽ hoàn thiện quy hoạch; chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển như hỗ trợ vốn, xây dựng các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp; hỗ trợ xúc tiến thương mại và kết nối tiêu thụ sản phẩm…
Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, huyện Nhà Bè cần phải phát triển hạ tầng. Theo UBND huyện Nhà Bè, trong 5 năm qua, HĐND, UBND TPHCM ưu tiên phân bổ nguồn vốn ngân sách của thành phố cho huyện khoảng hơn 3.200 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông - hạ tầng xã hội, đã góp phần xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập và mức sống người dân ngày càng được nâng lên.
Theo Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Triệu Đỗ Hồng Phước, huyện tập trung hoàn chỉnh đồng bộ các đồ án quy hoạch đô thị trên địa bàn huyện như tập trung hoàn chỉnh đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Khu Công nghiệp - Cảng Hiệp Phước; đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu Khu Công nghiệp Hiệp Phước (giai đoạn 3) và đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu Cảng hạ lưu Hiệp Phước.
Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Triệu Đỗ Hồng Phước, đề xuất, với thành phố ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trên địa bàn huyện theo đúng quy hoạch; nhất là các trục giao thông chính, giao thông trọng điểm và huyết mạch, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng đường 15B, đường Kho B và Kho C nối dài, đường Phạm Hùng nối dài; cầu Phú Xuân 2, cầu Rạch Dơi, Rạch Tôm...
Cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn quốc gia; hoàn thành đầu tư nâng cấp, mở rộng bệnh viện huyện, xây dựng mới các trạm y tế xã. Nhằm nâng cao đời sống người dân, UBND huyện tiếp tục huy động các nguồn lực để thực hiện chỉnh trang đô thị, đầu tư hệ thống các tuyến kè chống sạt lở khu vực xã Hiệp Phước; cải tạo vệ sinh môi trường tại các tuyến sông, kênh rạch; nâng cấp và mở rộng các tuyến hẽm; nâng cấp, cải tạo sửa chữa các chợ; xây dựng các khu tái định cư, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp... Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.