Là vùng dự trữ của Đà Nẵng
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, huyện Hoà Vang có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của Đà Nẵng, là vùng đệm, vùng đất dự trữ, vùng sinh thái nông lâm nghiệp bảo tồn đa dạng sinh học của địa phương. Không chỉ vậy, huyện Hoà Vang còn có khu công nghệ cao, nhiều dự án công nghiệp – dịch vụ, đầu mối các dự án hạ tầng kết nối… đây là những tiền đề, động lực để Hoà Vang phát triển nhanh các khu đô thị, tăng trưởng kinh tế để sớm đạt mục tiêu trở thành thị xã đô thị loại 3.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển là thách thức về suy giảm môi trường sinh thái, suy giảm cảnh quan và cả sự đa dạng sinh học. Theo PGS-TS Hoàng Ngọc Tuấn, Viện khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên, hằng năm, địa phương chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai. Trong đó, mưa lớn gây ngập lụt, lũ gây ảnh hưởng đến toàn huyện. Nguyên nhân chính là tác động của việc đầu tư phát triển khu đô thị ven sông, hạ tầng giao thông với cao độ mặt đường cao hơn nhiều so với địa hình tự nhiên. Một số tuyến, đoạn chắn ngang tuyến thoát lũ trong khi hệ thống nước mưa đưa đảm bảo thoát lũ tự nhiên.
Đồng ý kiến, theo ông Nguyễn Cửu Loan, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, việc phát triển không kiểm soát có thể dẫn đến lãng phí đất đai và gây ra các vấn đề liên quan đến quy hoạch đô thị. Do đó, cần quy hoạch đô thị Hòa Vang theo một kế hoạch bền vững, được tổ chức hợp lý.
Phát triển phù hợp với “ngưỡng” của môi trường
TS-KTS Tô Văn Hùng, Bí thư huyện Hòa Vang cho rằng, việc tổ chức kiến trúc cảnh quan đô thị Hòa Vang cần phải gìn giữ sự đa dạng sinh học, thiết kế hài hòa với các nguyên tắc của tự nhiên.
“Phát triển đô thị ở mức phù hợp với “ngưỡng” của môi trường. Bởi mỗi môi trường sinh thái chỉ thích ứng với một giới hạn tác động nhất định, đặc biệt là sự can thiệp của con người. Khi cường độ tác động tới ngưỡng cao nhất hoặc thấp nhất so với khả năng chịu đựng của môi trường, sẽ dẫn đến nguy cơ bị hủy hoại. Trước hết, quy mô dân số và phát triển kinh tế - xã hội của đô thị được giữ ở mức phù hợp “ngưỡng” của môi trường và tài nguyên thiên nhiên...”, TS-KTS Tô Văn Hùng nêu.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Trưởng phòng Quản lý lữ hành – Sở Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận, 50% khách du lịch sẵn sàng chi trả tiền cao đối với những loại hình du lịch về sinh thái cộng đồng và môi trường. Vì vậy, việc định hướng Hòa Vang là điểm đến du lịch xanh với điểm nhấn phát triển các khu du lịch sinh thái gồm: quần thể Khu đô thị du lịch Bà Nà – Suối Mơ, hồ Đồng Xanh, các sân golf,… tạo điều kiện phát triển bứt phá về du lịch. Bên cạnh giám sát và quản lý phát triển Hòa Vang theo đúng quy hoạch, địa phương cần xây dựng và ban hành áp dụng tiêu chí “điểm đến xanh” để tạo sự khác biệt đồng bộ.
Ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng Ban Đô thị - HĐND TP Đà Nẵng cũng cho rằng, ngay từ bây giờ, chính quyền huyện Hòa Vang cần có quy chế, cơ chế quản lý chặt chẽ về đất đai, xây dựng; hạn chế thấp nhất việc chia nhỏ các lô đất, thửa đất theo mô hình “nhà ống” với hệ thống hạ tầng thấp kém. Khu vực lõi cần hướng đến mô hình đô thị nén, phương thức ở cao tầng. Khu vực nông thôn, khu vực còn lại của Hòa Vang cần kiểm soát phát triển, giữ gìn hình thái không gian truyền thống, xác định khu vực sản xuất phù hợp và quản lý tốt các khu chức năng du lịch, các làng nghề trên địa bàn.
“Hiện các cơ sở chính trị, pháp lý đều định hướng Hòa Vang hình thành thị xã đô thị loại 4. Nhưng từ niềm tin và các điều kiện, xu hướng, tôi đề xuất xây dựng đô thị Hòa Vang hướng đến mô hình mới "thành phố trong thành phố" nhằm đột phá hơn, phát triển toàn diện, cơ hội cho TP Đà Nẵng hình thành cực phát triển mới về phía Tây”, ông Tiến nêu.