Lợi nhuận hay phi lợi nhuận?
Mới đây, tại hội nghị góp ý Luật Giáo dục (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức, GS Phạm Phụ, nguyên giảng viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), cho rằng hiện nay đang có sự nhập nhằng trong cách gọi tên cơ sở giáo dục “vì lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận”.
Nhà giáo này phân tích, hoạt động của một tổ chức được gọi là phi lợi nhuận khi lợi nhuận không được chia cho bất kỳ ai, không có chủ sở hữu, tài sản thuộc sở hữu cộng đồng, nguồn vốn chủ yếu từ việc cho tặng, thu học phí và được quản trị bởi một hội đồng đại diện cho các nhóm có lợi ích liên quan.
Tuy nhiên, phi lợi nhuận không đồng nghĩa với việc không được tạo ra lợi nhuận, một tổ chức không vì lợi nhuận vẫn có thể tồn tại bộ phận vì lợi nhuận. Mô hình phi lợi nhuận theo lý thuyết là rất tốt, nhưng hiện nay ở hầu hết các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, rất khó thực hiện bởi đã không vì lợi nhuận thì sẽ không có nhà đầu tư.
Từ thực tế đó, nhiều nước trên thế giới đã chấp nhận hình thức mở cửa một phần đối với nhà đầu tư, làm xuất hiện mô hình giáo dục “nửa vì lợi nhuận”. Còn một khi đã xác định là tổ chức hoạt động vì lợi nhuận, đương nhiên phải tuân thủ các quy luật cạnh tranh, thị trường hàng hóa với mục tiêu lợi nhuận. Cơ sở giáo dục hoạt động vì lợi nhuận thường có cơ chế quản trị như một công ty.
Với đặc thù thị trường giáo dục ở Việt Nam, người mua thường có rất ít thông tin và cũng khó đánh giá chất lượng hàng hóa hoặc dịch vụ đang trả tiền để được sở hữu, do đó dễ lâm vào tình cảnh phải chấp nhận rủi ro về chất lượng.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục ngoài công lập có lịch sử phát triển rất khác nhau, có trường vì lợi nhuận, có trường nửa vì lợi nhuận và cũng có trường không có chủ sở hữu nên có thể tạm xem là phi lợi nhuận.
Từ thực tế đó, GS Phạm Phụ kiến nghị các khái niệm này cần được cấp thiết làm rõ trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Song song đó, Bộ GD-ĐT cần sớm ban hành một số chính sách, cơ chế để thực hiện mô hình giáo dục phi lợi nhuận.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng khẳng định, từ thực tế 20 năm phát triển của giáo dục ngoài công lập, lợi nhuận chính là một trong những động cơ quan trọng giúp hệ thống này phát triển. Do đó, cần chấp nhận tư tưởng làm giáo dục vì lợi nhuận, quan trọng là lợi nhuận ở mức độ nào và quản lý, sử dụng sao cho hợp lý.
Cần thêm chính sách ưu đãi đầu tư
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký thông qua chủ trương thực hiện chính sách hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em, học sinh thuộc diện phổ cập đang theo học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, đặc biệt đối với các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử phát triển ngành giáo dục, học sinh cơ sở ngoài công lập trở thành một trong những đối tượng được Nhà nước miễn, giảm học phí.
Trước đó, vào năm 2014, TPHCM đã ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non ngoài công lập. Cụ thể, thành phố ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng các trường mầm non ngoài công lập, đồng thời mở rộng đối tượng cho vay vốn kích cầu đầu tư xây dựng mới trường mầm non với mức ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất, điều chỉnh thời gian trả vốn vay để hỗ trợ các chủ đầu tư.
Ngoài ra, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập cũng được hưởng chế độ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ định kỳ hàng năm. Kinh phí thực hiện các chính sách nói trên được lấy từ nguồn ngân sách phân bổ hàng năm cho giáo dục.
Tuy nhiên, đại diện các đơn vị đều cho rằng chính sách chăm lo mới tập trung nhiều ở bậc mầm non, trong khi các bậc học khác nhà đầu tư vẫn phải “tự bơi”, chưa có nhiều chính sách ưu đãi về vốn vay, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hoa Mai, Hiệu trưởng Hệ thống trường quốc tế Việt Úc, cho rằng trường tư thường được gọi chung là “con nhà giàu” nên ít nhận được chế độ hỗ trợ từ Nhà nước.
Tuy nhiên, để hệ thống này phát triển một cách bài bản và lâu dài, cần thêm nhiều sự quan tâm từ phía cơ quan quản lý. Cụ thể, theo Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã nêu rõ, cần đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa, trong đó đối với giáo dục mầm non và phổ thông, Nhà nước tạo điều kiện chuyển đổi mô hình từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa cao.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh xã hội hóa trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn mà khu vực ngoài công lập có thể triển khai tốt, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển thị trường dịch vụ công.
Như vậy, để đẩy mạnh chất lượng hoạt động của hệ thống ngoài công lập, ngoài việc cần thêm các chủ trương, chính sách từ các cơ quan quản lý còn đòi hỏi sự chung tay đóng góp của nhiều bộ, ngành và các nguồn lực xã hội, trong đó có sự chủ động chuyển mình của các đơn vị, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của nền giáo dục phát triển theo cơ chế thị trường.
Để thực hiện nghị quyết về hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em, học sinh thuộc diện phổ cập đang theo học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương xác định nhu cầu nguồn kinh phí để thực hiện chính sách theo lộ trình phù hợp. |