Đến trường không chỉ học kiến thức
Chúng tôi có mặt tại Trường quốc tế Bắc Mỹ (SNA) vào một ngày cuối tháng 4. Cái nắng oi ả của thời tiết đầu hè không làm các bạn học sinh khối tiểu học giảm bớt háo hức khi đến với hội chợ sách được tổ chức cho toàn thể học sinh, giáo viên và nhân viên trong trường cùng tham gia.
Thông qua các hoạt động như giới thiệu sách mới, chia sẻ các nội dung hay, tất cả thành viên trong trường đều có cơ hội thể hiện tình yêu với sách, qua đó phát huy tối đa khả năng suy nghĩ và sáng tạo. Đây không chỉ là hoạt động tổ chức thường niên tại đơn vị, mà trong thời khóa biểu của từng ngày học, mỗi học sinh sẽ có 15 phút “dear time” (thời gian đọc), tạm gác lại mọi hoạt động để cùng nhau đọc sách.
Ở khối trung học, sau khi học bài tác động của ô nhiễm bởi các vật dụng làm từ nhựa đối với hệ sinh thái biển, học sinh thực hiện dự án vẽ tranh trên tường nhằm hiện thực hóa thông điệp hạn chế sử dụng nhựa khi không cần thiết và tái chế sản phẩm làm từ nhựa. Các bức vẽ không chỉ lan tỏa đi thông điệp bảo vệ môi trường ý nghĩa, mà qua đó còn giúp môi trường học tập trở nên sinh động, đồng thời nhắc nhở tất cả thành viên trong trường ý thức sống có trách nhiệm với cộng đồng.
Cũng trong tuần qua, học sinh khối 1 hệ chuẩn của Trường Tiểu học Vinschool (quận Bình Thạnh) bước vào tuần lễ báo cáo dự án “Học để phục vụ”. Cụ thể, sau khi trải qua các giai đoạn gồm nghiên cứu, lập kế hoạch, hành động và suy ngẫm, học sinh thực hiện giai đoạn cuối cùng của dự án là giới thiệu “Cuốn sách Vinschool của chúng ta”.
Tại đây, hàng loạt tác phẩm từ hình ảnh, tranh vẽ, nội dung trả lời phỏng vấn của các thành viên trong trường đều được học sinh tự tay thực hiện và giới thiệu đến phụ huynh. Tham dự buổi thuyết trình của các con, nhiều phụ huynh cho biết rất xúc động khi bài học về tình cảm yêu thương, sự gắn bó với từng thành viên trong trường - từ cô hiệu trưởng, hiệu phó đến các bộ phận phục vụ như tổ quản lý học sinh, nhân viên thủ thư, chú bảo vệ, cô bán hàng ở căn tin - đều được truyền tải một cách nhẹ nhàng và chân thật.
Nỗ lực phát triển đội ngũ và thương hiệu
TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, Chủ tịch Hội đồng sáng lập hệ thống trường song ngữ quốc tế EMASI, cho biết các trường tư thục đều hướng đến tôn trọng sự chủ động, tích cực của người học. Trong đó, giáo viên luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho học sinh sáng tạo, rèn thói quen tự học, tự nghiên cứu. Trong quá trình dạy học, giáo viên sẽ quan sát và phân tích nhiều hơn can thiệp, chỉ dẫn hơn là cung cấp, tổ chức nề nếp hơn là nhắc nhở bằng lời, để hoàn thiện môi trường tâm lý cho học sinh, qua đó giúp các em chủ động, tự tin, phát triển tư duy suy luận, phản biện và sáng tạo.
Ví dụ như cùng một phép tính toán học, cách dạy ở trường công là hướng dẫn học sinh cách trình bày và nội dung từng bước giải; nhưng ở các trường phát triển theo mô hình đổi mới, học sinh được tự do trình bày ý tưởng cũng như các cách giải quyết khác nhau. Song, để thực hiện được điều đó, giáo viên phải có chuyển đổi lớn trong nhận thức và hành động.
“Môi trường làm việc tuy rất áp lực nhưng nhiều thầy cô vẫn quyết định bỏ trường công sang trường tư vì muốn được trải nghiệm, có cơ hội phát triển tối đa năng lực chứ không gò bó làm theo khuôn mẫu như ở trường công. Thêm nữa, ưu điểm của trường tư là thưởng, phạt rõ ràng, không cào bằng về thu nhập nên người giỏi càng muốn thử sức”, thầy N.T.N. phân tích. |
Cụ thể, một ngày làm việc của giáo viên trường tư thường kết thúc sau 18 giờ với nhiều hoạt động bồi dưỡng, họp tổ chuyên môn diễn ra mỗi ngày sau giờ tan học. Làm việc trong môi trường cạnh tranh, năng lực giáo viên không chỉ được đánh giá qua hoạt động chuyên môn (như trường công), mà còn được xem xét toàn diện hơn qua nhiều tiêu chí như quan hệ với đồng nghiệp, khả năng thực hiện các dự án, liên kết với tổ quản lý học sinh (chức năng tương đương tổ giám thị ở trường công - PV), sự hài lòng của học sinh, phụ huynh…
Đồng quan điểm, Nhà giáo ưu tú Kim Vĩnh Phúc, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), nay là Hiệu trưởng Trường song ngữ quốc tế EMASI Nam Long (quận 7), cho biết hoạt động trường tư không bó hẹp trong việc truyền thụ kiến thức mà hướng đến sự phát triển toàn diện gồm thể chất, tinh thần, năng khiếu cho học sinh, nên cán bộ quản lý phải “tải” khối lượng công việc nhiều hơn. Bù lại, môi trường làm việc có sự hỗ trợ tối đa của các phần mềm công nghệ, nhiều thiết bị, công nghệ hiện đại giúp các thầy cô không mất nhiều thời gian quản lý mà vẫn tương tác nhanh với giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Ở góc độ khác, theo Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thu Cúc, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh), công việc hiệu trưởng ở một trường tư đòi hỏi người cán bộ quản lý phải chuyển quan tâm từ đầu tư cơ sở vật chất (vốn đã là điểm mạnh của trường tư) sang đầu tư về giải pháp nhằm mang lại hiệu quả giáo dục thiết thực cho học sinh. Ở đó, kinh nghiệm tích lũy thôi chưa đủ, mà thay vào đó cán bộ quản lý phải thường xuyên học hỏi, sáng tạo để đưa ra nhiều giải pháp mới.
Gần đây, một số hệ thống trường tư thục thành lập thêm hội đồng/ban cố vấn chuyên môn. Tổ chức này chịu trách nhiệm xây dựng chương trình và tập huấn, bồi dưỡng giáo viên. Đây được xem là một trong những lực lượng hỗ trợ công tác chuyên môn cho hiệu trưởng, giúp người cán bộ quản lý triển khai tốt hơn các ý tưởng, giải pháp giáo dục học sinh. Tuy nhiên, số lượng đơn vị thành lập hội đồng này chưa nhiều, có nơi thành lập cho có, họp định kỳ mỗi tháng một lần, các thành viên vẫn công tác chính ở các trường đại học, viện, cơ sở nghiên cứu giáo dục, khiến hiệu quả hoạt động chưa như mong đợi.