LTS: TPHCM đang đứng trước áp lực lớn về gia tăng dân số, kéo theo gánh nặng khổng lồ về đáp ứng nhu cầu chỗ học cho người dân. Trong điều kiện trường công loay hoay với bài toán quá tải sĩ số, chất lượng giáo dục bị “ghìm cương” bởi hàng loạt quy định đã lỗi thời, thì hệ thống trường ngoài công lập đang dần tạo được chỗ đứng. Đây là cơ hội, song cũng là thử thách đặt ra cho các trường trong cuộc chiến phát triển thị phần và khẳng định thương hiệu giáo dục, đào tạo. |
Được biết đến là một trong những hệ thống trường tư hoạt động lâu đời và tạo được uy tín với phụ huynh, đến nay sau 15 năm hoạt động, Hệ thống trường quốc tế Việt Úc (VAS) đã mở rộng hoạt động tại 8 cơ sở trải đều ở các quận 2, 3, 7, 10, Phú Nhuận và Gò Vấp - riêng quận 7 và Phú Nhuận mỗi nơi có 2 cơ sở đang hoạt động.
Năm học 2018-2019, toàn hệ thống có hơn 8.500 học sinh từ mầm non đến lớp 12 theo học. Tương tự, Hệ thống trường quốc tế Á Châu (Asian School) bắt đầu từ tháng 8-2019 sẽ đưa thêm vào hoạt động cơ sở ở phường Thảo Điền (quận 2), nâng tổng số cơ sở đang hoạt động của hệ thống này lên con số 13. Tốc độ phát triển cũng khá nhanh, Hệ thống trường Tuệ Đức (Pathway) dù tuổi đời còn non trẻ, sau hơn 5 năm hoạt động đã phát triển được 8 cơ sở với hơn 2.000 học sinh đang theo học ở các bậc mầm non, tiểu học và THCS.
Chị Nguyễn Trinh, nhà ở phường Thảo Điền (quận 2), cho biết: “Con gái tôi tháng 9 năm nay vào lớp 1, nhưng thời điểm hiện tại, vợ chồng tôi vẫn băn khoăn chưa biết chọn trường nào cho con vì có quá nhiều lựa chọn. Chỉ trong phường Thảo Điền đã có 3 hệ thống trường quốc tế đang hoạt động. Các phường lân cận như An Phú, Bình Khánh, Thạnh Mỹ Lợi đều có các cơ sở trường tư với nhiều quy mô hoạt động khác nhau”.
Quận 7 và Gò Vấp cũng là 2 địa phương có tốc độ phát triển trường tư khá mạnh. Trên đường Phan Văn Trị (đoạn đi qua quận Gò Vấp), chưa đầy 5km đã có 5 cơ sở mầm non tư thục đang hoạt động. Ngoài ra, ở một số huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, do đời sống thu nhập của người dân tăng lên, môi trường tư thục với nhiều ưu điểm trở thành lựa chọn của không ít phụ huynh.
Tuy nhiên, nếu như vài năm trước, phụ huynh “có tiền” là có thể đăng ký cho con vào học bất cứ hệ thống trường tư thục nào, thậm chí có thể nhập học bất kỳ thời điểm nào trong năm, thì thời điểm hiện tại, nhiều đơn vị đã quy định thêm tiêu chí phụ để tuyển sinh như ưu tiên trẻ có hộ khẩu trên cùng địa bàn, trẻ có anh/chị học cùng trường, hoặc tổ chức kỳ thi kiểm tra năng lực đầu vào để sàng lọc học sinh, do lượng hồ sơ đăng ký nhiều hơn khả năng đáp ứng của đơn vị. Thậm chí, nhiều trường hợp 2 năm nữa con mới vào lớp 1, nhưng từ bây giờ phụ huynh đã lo chuyển nhà để có “giấy thông hành” là hộ khẩu giúp con được ưu tiên xét tuyển vào trường mong muốn.
Nắm bắt nhanh đòi hỏi của thị trường
Theo một cán bộ Sở GD-ĐT TPHCM, những năm gần đây công tác tuyển sinh ở các trường ngoài công lập có khởi sắc, chất lượng đầu vào của học sinh tăng cao hơn so với thời điểm mới xâm nhập thị trường cách đây 15 năm.
Nguyên nhân là do ngoài sự ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, bản thân các trường cũng dần ý thức được tầm quan trọng của việc tạo dựng thương hiệu, có chiến lược đầu tư bài bản chứ không đơn thuần chạy theo số lượng tuyển sinh như trước đây. Tuy nhiên, nhìn tổng thể bức tranh giáo dục của thành phố, mới có khoảng 30% - 40% đơn vị ngoài công lập hoạt động hiệu quả, có tình hình tuyển sinh ổn định và được phụ huynh tín nhiệm.
Số đông các trường còn lại tập trung ở khối dân lập và tư thục, do khả năng tài chính eo hẹp, thuê mướn mặt bằng làm cơ sở, thiếu hụt lực lượng giáo viên cơ hữu nên tuyển sinh èo uột, quy mô đào tạo nhỏ. Tuy nhiên, ghi nhận qua các năm học gần đây cho thấy, danh sách học sinh đoạt giải thưởng cao tại các cuộc thi kể chuyện bằng tiếng Anh, giải toán qua mạng Internet, nhà tin học trẻ tuổi dành cho học sinh khối tiểu học và THCS do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức đều có sự góp mặt đáng kể của các trường tư. Đây được xem là một trong những tín hiệu tích cực thể hiện khoảng cách chất lượng đào tạo đã được kéo gần lại giữa 2 hệ thống công lập và ngoài công lập, qua đó tạo cơ hội học tập công bằng cho tất cả học sinh.
Căn cứ theo phân khúc thu nhập, phụ huynh có thể lựa chọn giữa các hệ thống trường quốc tế (học sinh được cấp bằng hoặc chứng chỉ quốc tế sau khi hoàn thành bậc học), trường song ngữ (dạy chương trình Bộ GD-ĐT kết hợp thêm một số học phần, chứng chỉ quốc tế) và trường tư thục (chủ yếu dạy chương trình của Bộ GD-ĐT). Học phí khối ngoài công lập dao động 60 triệu - 400 triệu đồng/học sinh/năm học. |
Nhưng thời điểm hiện tại, mục tiêu đã mở rộng nhiều hướng phát triển khác nhau như bồi dưỡng năng khiếu, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, phát triển tư duy thẩm mỹ và sức khỏe tinh thần cho học sinh. Nhiều cơ sở khi đi vào hoạt động đã xác lập ngay một số giá trị cốt lõi như nhân cách, trí tuệ, cảm xúc, đam mê, năng lượng… làm cơ sở xây dựng chương trình và phương pháp giảng dạy phù hợp.
“Ưu điểm lớn nhất của các trường tư hiện nay là việc khẳng định và giữ gìn bản sắc riêng của mỗi đơn vị. Các cơ sở trong quá trình xây dựng hình ảnh đều gắn với một số tiêu chí cụ thể nào đó như một cách để quảng bá và phát triển thương hiệu, điều mà trường công do đặc thù cào bằng học phí nên khó thực hiện”, nhà giáo Đ.T.C., người có nhiều năm kinh nghiệm quản lý ở trường công, nay là thành viên ban cố vấn một hệ thống trường tư thục có tiếng của TPHCM bày tỏ.