Phát triển hệ sinh thái văn hóa - du lịch

Mục tiêu đến năm 2030 công nghiệp văn hóa đóng góp 7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) rõ ràng là một thách thức lớn, nhất là trong bối cảnh công nghiệp văn hóa vẫn chưa phục hồi trở lại như năm 2019. Không bất ngờ khi trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, nhiều ĐB bày tỏ băn khoăn về những giải pháp đạt được mục tiêu này.

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa là một trong những điều kiện tiên quyết để khai thác du lịch bền vững. Ngược lại, có nguồn thu từ du lịch mới có kinh phí để bảo tồn và bồi đắp thêm kho tài nguyên văn hóa. Vậy làm thế nào để tạo ra và duy trì hệ sinh thái văn hóa - du lịch này một cách bền vững?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã tỏ ra rất tâm đắc với nhiều sản phẩm du lịch văn hóa của Hà Nội, TPHCM mà ông cho là “không phải địa phương nào cũng làm được, phải phát huy tính sáng tạo, tính nghệ thuật”. Nhưng muốn có những sản phẩm như thế thì kho tàng di sản vật thể và phi vật thể là chưa đủ, thậm chí có cả đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn tài năng cũng chưa đủ, mà còn phải có những bộ óc sáng tạo biết “thổi hồn” vào di sản, mạnh dạn tổ chức, phát triển sản phẩm du lịch mới.

Sự khôn khéo, hiệu quả trong cách làm công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc, một trong những quốc gia đi đầu trong công nghiệp văn hóa, là kết quả của việc kiên trì gửi hàng ngàn sinh viên đi đào tạo bài bản ở nước ngoài trong nhiều thập kỷ, từ đó hình thành một đội ngũ chuyên gia đông đảo, lão luyện trong nghề. Và tất nhiên, ngành giáo dục đào tạo nước nhà với hệ thống các trường nghệ thuật - du lịch - quản trị kinh doanh… cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Tin cùng chuyên mục