Đà Nẵng có ưu thế về nguồn nhân lực
Ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) TP Đà Nẵng cho hay, Nghị quyết số 43 ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị đã xác định, xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Đà Nẵng đang hội tụ nhiều lợi thế để trở thành hạt nhân, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, địa phương có lợi thế về nguồn nhân lực với nhiều trường đại học… Môi trường chính sách, sự đồng lòng của lãnh đạo TP Đà Nẵng và cộng đồng doanh nghiệp đều mong muốn xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố năng động, sáng tạo.
Ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở KH-CN TP Đà Nẵng |
Mặt khác, dựa trên 7 trụ cột, lĩnh vực sáng tạo của mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, Đà Nẵng cần tìm ra trụ cột, hướng đi chính phát triển trong tương lai.
"Đà Nẵng có thể không là nơi tốt nhất để khởi nghiệp nhưng chúng tôi cam kết đây sẽ là nơi đáng tin cậy nhất dành cho cộng đồng khởi nghiệp. Đây là thông điệp xuyên suốt trong quá trình TP Đà Nẵng xây dựng hình ảnh đáng sống, đáng đến", ông Lê Đức Viên khẳng định.
Theo ông Võ Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng, một trong những đột phá cần quan tâm đó là đột phá về thể chế. Bởi hiện nay, các mô hình kinh doanh - công nghệ mới ra đời trong bối cảnh pháp luật chưa điều chỉnh kịp thời, trong khi đó các quốc gia trên thế giới đang triển khai các thể chế mới như khung thử nghiệm pháp lý (sandbox), khu đổi mới sáng tạo (innovation zone), đổi mới sáng tạo mở (open innovation) để thu hút đầu tư và khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tham gia xếp hạng chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xem đây là những ưu thế cạnh tranh trong kỷ nguyên của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Nguồn nhân lực đóng vai trò là một trong những yếu tố mang lại lợi thế. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Nhấn mạnh về nguồn nhân lực, TS. Trương Tiến Vũ, Trưởng phòng KH-CN (Trường Đại học Duy Tân) cho rằng, những năm gần đây, cơ sở đã có định hướng nghiên cứu phát triển và ứng dụng, phát triển tài sản trí tuệ hướng đến mục tiêu chuyển giao tri thức, công nghệ. Tuy vậy, quá trình này vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là hoạt động kết nối với đối tác doanh nghiệp để thực hiện.
Việc giải quyết đầu ra ở các trường đại học hiện nay là rất khó khăn. Hầu hết kết quả sản phẩm nghiên cứu khoa học của thầy cô, sinh viên ở trường Đại học Duy Tân chủ yếu ở dạng công bố khoa học.
Thể chế đóng vai trò quyết định
TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH-CN) cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng góp phần quan trọng trong việc nâng hạng duy trì hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong ASEAN cũng như trên toàn cầu.
Đà Nẵng được xem là địa phương hội tụ hàm lượng công nghệ mới, chất lượng cao như công nghệ sinh học, chăm sóc sức khỏe, đào tạo, tài chính… Đây cũng là những vấn đề mà nhà đầu tư trên thế giới rất quan tâm. Địa phương có vị trí rất thuận lợi để phát triển không gian đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong chuyển đổi số, công nghệ số vào trong các lĩnh vực; liên kết trường đại học, chương trình quốc tế để nâng cao chương trình đào tạo về những ngành công nghệ mới, kể cả vi mạch bán dẫn, blockchain, fintech, biotech…
Dù không có lợi thế thị trường và nguồn vốn, TP Đà Nẵng có tiềm năng, điều kiện thuận lợi phát triển về nguồn nhân lực. Chính yếu tố này sẽ thu hút tài năng của địa phương khác về địa phương Đà Nẵng thử nghiệm và phát triển mô hình mẫu sau đó bán lại, nhân rộng ở nơi khác.
Đà Nẵng tiến hành hợp tác ký kết với các đơn vị. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Thời gian qua, việc tổ chức các cuộc thi về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là một cách quảng bá, thu hút, tạo không gian để các tài năng trải nghiệm.
Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ KH-CN) Phạm Hồng Quất trao giải nhất Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo SURF 202cho dự án Wetex. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Tuy vậy, về lâu dài, bên cạnh phát triển mạnh mẽ các cơ sở đào tạo, nguồn lực, Đà Nẵng phải có cơ chế cho phép tiên phong thử nghiệm mô hình, sản phẩm mới tại địa phương. Ví dụ như chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư cho công nghệ tự động, trí tuệ nhân tạo… Như Nghị quyết số 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, cơ chế, chính sách sẽ là khâu cởi trói, giải phóng năng lượng sáng tạo từ nhà đầu tư, các câu chuyện thành công trên thế giới.
TS. Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH-CN) đưa ra những định hướng gợi mở. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
"Chúng tôi mong Đà Nẵng sẽ là trung tâm tầm cỡ quốc gia để có thể áp dụng bài học hay của quốc tế đối với nguồn nhân lực của thành phố, từ đó, hấp dẫn các nhà đầu tư, tài năng khởi nghiệp của khu vực và thế giới", ông Phạm Hồng Quất chia sẻ.
Lãnh đạo thực hiện nghi thức khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Đà Nẵng - SURF 2023. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Theo TS. Nguyễn Ngọc Song, Phó Giám đốc Học viện Khoa học Công nghệ và đổi mới sáng tạo, kết quả tổng hợp của các tỉnh tham gia thử nghiệm PII 2022 (Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương) chỉ rằng Đà Nẵng là địa phương xếp vị trí thứ 2.
Để duy trì và nâng cao vị trí trên bảng xếp hạng, Đà Nẵng cần có sự hợp sức của hệ thống chính trị, từ lãnh đạo đến người dân; sử dụng các kết quả đánh giá vào công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng và thực hiện các biện pháp, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của địa phương, trong đó, đầu vào là các thể chế, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển của thị trường, doanh nghiệp…